Ông Hòa cho biết, địa hình khu vực thành phố Nha Trang bị chia cắt phức tạp gồm đồi núi thấp đến trung bình và đồng bằng. Trong đó, địa hình đồng bằng có diện tích hẹp và khá bằng phẳng ở độ cao từ 5-7 m, bị phân cắt bởi sông Cái ở phía bắc trung tâm thành phố Nha Trang. Các địa hình này được cấu thành bởi các trầm tích phun trào (andesit - ryolit) hệ tầng Nha Trang và granit phức hệ Đèo Cả, có vỏ phong hóa khá dày và thành phần phức tạp, là điều kiện dễ xảy ra trượt lở đất.
TS Trịnh Xuân Hòa phát biểu tại một Hội nghị về lũ quét, sạt lở đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Trong khi đó, tại một số khu vực như xóm Núi, thuộc thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, người dân làm nhà tự phát trên khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao. Ngoài ra, nhiều nhà dân, công trình dân dụng được xây dựng trên các khu vực xung yếu (có nền địa chất công trình không ổn định), chưa được đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ tai biến địa chất (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất) như khu vực Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường. Điều này làm gia tăng thiệt hại khi xảy ra các tai biến địa chất.
Theo ông Hòa, để có thể hạn chế thiệt hại do mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này cần có những khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết của các cơ quan chuyên môn. Hiện nay Khánh Hòa chưa có bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, làm cơ sở khoa học để tiến hành cảnh báo trượt lở đất đá ở khu vực này. Việc cảnh báo trượt lở đất đá ở Khánh Hòa mới dựa trên dữ liệu địa chất đã có, kinh nghiệm của chuyên gia và lịch sử trượt lở ở vùng này. Nếu có bản đồ hiện trạng phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở sẽ tăng độ chính xác và khả năng cảnh báo. Đây cũng là cơ sở trong vấn đề quy hoạch thành phố như việc bố trí các khu dân cư, các khu kinh tế xã hội để giảm thiểu những thiệt hại trong tương lai.
Theo TS Hòa, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” với mục tiêu xây dựng bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 cho các vùng miền núi có nguy cơ trượt lở; đối với các khu vực trọng điểm, dân cư sinh sống tập trung, có nguy cơ trượt lở cao xây dựng bản đồ chi tiết tỷ lệ 1:25.000, 1:10.000. Tuy nhiên, đến nay, đề án mới thực hiện được ở 22/37 tỉnh, thành phố. Tỉnh Khánh Hòa có nằm trong danh mục thực hiện của Đề án nhưng đến nay vẫn phải chờ kinh phí để triển khai.
TS Hòa cho biết, thay vì thực hiện tuần tự các tỉnh từ Bắc đến Nam như hiện nay, có thể ưu tiên các khu vực trọng điểm, nguy cơ sạt lở đất đá cao, nằm gần các khu vực đông dân cư, vùng phát triển kinh tế như Khánh Hòa.