Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Hà Nội chiều 23/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn thành phố đã có 39 ca dương tính với Covid-19. Trong số đó, 30 trường hợp đi từ các vùng có dịch ở các nước về, đã được xét nghiệm, ngăn chặn. 9 trường hợp lây nhiễm chéo trên địa bàn.
Ông Chung đánh giá, thời gian qua, các quận huyện, phường, xã đã liên thông, trao đổi thông tin, nhanh chóng làm rõ hành trình, quá trình đi lại của các bệnh nhân để xác định rõ các trường hợp F1, F2. Khi có trường hợp F1 trở thành F0 cũng kịp thời chuyền các trường hợp F2 thành F1 để có biện pháp xử lý.
"Chúng ta đang chứng kiến dịch bệnh đang vô cùng phức tạp trên thế giới. Một số nước trở thành trung tâm đỉnh dịch mới", ông Chung nói.
Theo ông Chung, trên địa bàn thành phố, diễn biến dịch trong mấy ngày qua phức tạp hơn. Có những ca bệnh lây nhiễm trong quá trình đi lại trong nước, về rồi lây nhiễm chéo tại nơi làm việc, tại gia đình. Thành phố cũng phát hiện các ca lây nhiễm chéo từ bác sĩ, người điều trị cho bệnh nhân.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, nguồn lây nhiễm lớn nhất là quá trình đi lại của những công dân Việt Nam, công dân nước ngoài đã lây nhiễm từ bên ngoài nhưng "đang có biểu hiện bình thường". "Chúng ta đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là rà soát các công dân nước ngoài đến Việt Nam trước 0h ngày 21/3. Kế hoạch là đến 25/3 phải biết hết và lấy mẫu xét nghiệm", ông Chung nói.
Nguồn lây thứ 2, ông Chung cho rằng là công dân nước ngoài và Việt Nam vào thành phố từ các vùng có dịch trước thời điểm 0h ngày 14/3 với Châu Âu ; trước 0h ngày 18/3 với các nước Đông Nam châu Á ; trước 0h ngày 21/3 với tất cả các nước khác.
“Nguồn thứ 3 có thể lây nhiễm chéo trong trung tâm cách ly tập trung, cách ly F1 tại bệnh viện, trong quá trình chữa bệnh tại bệnh viện », ông Chung nói.
Nguồn thứ tư, theo ông Chung là số công dân đi từ nước ngoài về, từ Châu Âu, Đông Nam Châu Á, đặc biệt là các nước sát Việt Nam như Campuchia, Lào…
"Trong 2 tuần tới, trước ngày 5/4 là giai đoạn cao điểm phải tập trung mọi nguồn lực để phát hiện, khoanh vùng, xét nghiệm và quản lý tốt các nơi cách ly tập trung, bệnh viện để không lây nhiễm chéo", ông Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, trên địa bàn có thể có những người có thể có mầm bệnh, nhưng bên ngoài biểu hiện bình thường, dẫn đến có thể có ca lây nhiễm mới.
"Chúng ta xác định chống dịch như chống giặc thì chiến trường chính ở đâu. Quan trọng nhất là tại các bệnh viện. Có phát hiện sớm, có dương tính thì cuối cùng chiến thắng virus chính là bệnh viện, chính là khâu chữa bệnh. Vì vậy, phải xác định công tác chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ tại bệnh viện trong giai đoạn này là nhiệm vụ số 1”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho rằng, hiện nay đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tiệm cận và gắn liền với các quyết định chiến thắng hay thua. “Nếu khoanh vùng tốt, phát hiện sớm, không để lây nhiễm tại cộng đồng, xét nghiệm sớm, đưa vào chữa bệnh và chữa bệnh thành công thì thành công”, ông Chung nói đồng thời nhấn mạnh: trong giai đoạn trước ngày 5/4, nếu không thực hiện được các biện pháp này mà để lây nhiễm trong cộng đồng thì lan ra rất nhanh.
“Tôi muốn nêu bài học còn nguyên giá trị. Ở Trung Quốc phát hiện ca đầu tiên cho đến ca 100 là trong 10 ngày, nhưng mà đến Italia từ ca 97 đến 2.000 trong vòng 7 ngày, từ 2 nghìn đến 11 nghìn là 4 ngày và 11 nghìn lên 21 nghìn chỉ trong 2 ngày thôi”, ông Chung cảnh báo.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, bằng mọi biện pháp phải phát hiện sớm tất cả các trường hợp nghi ngờ và phải xét nghiệm nhanh; nhanh chóng phát hiện các trường hợp dương tính; khẩn trương cách ly các mầm bệnh; tiến hành lấy mẫu phân loại và tổ chức chữa trị thành công. “Nếu thành công 5 giai đoạn này thì mới tin tưởng được”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng dẫn chứng sổ tay tập hợp kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc, cho rằng, qua nghiên cứu, Covid-19 có thể phát tán trong không khí lên đến 30 phút, tồn tại trên mặt kim loại, kính, gỗ, vải 10 tiếng đồng hồ chứ không phải 8 tiếng như trước đây. “Vì thế, người dân đi trên đường phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang”, ông Chung lưu ý.
Theo ông Chung, đây là virus lây lan siêu nhanh. Chưa có bằng chứng cho thấy thời tiết nóng lên nó sẽ giảm đi. Thực tế tại một số nước, ngay cả khu vực phía Nam của Việt Nam dù đang nắng nóng vẫn có dịch bệnh. Cũng chưa thể nói được bao giờ dịch kết thúc, vì một số nước vẫn đang ở những tuần đầu, ngày đầu. Khoa học tân tiến nhất cũng chưa chế tạo được vắc xin đặc hiệu.
“Cũng cần phải thấy được độ nghiêm trọng của nó. Như ở vùng Lombrdy của Italia, tỷ lệ tử vong rất cao, thậm chí 9 – 11%”, ông Chung nói.
Ông Chung cho rằng, trong dịch bệnh này, phấn đấu không để ai tử vong là kết quả “tốt lắm rồi”. Theo CDC các nước, bệnh này phải được phát hiện, phải chữa chị, nếu không chữa là sẽ tử vong.
“Thông tin thanh niên tự khỏi là không đúng. Cho nên giới trẻ, tất cả mọi lứa tuổi đều bị. Chỉ là người già có bệnh nền, sức khỏe yếu nên nó xâm nhập nhanh hơn, sức đề kháng kém nên yếu hơn. Thực tế là người đầu tiên tử vong ở Washington là 19 tuổi. Ở Anh một loạt người tử vong cũng rất trẻ. Các ca nhiễm của chúng ta hiện nay cũng trẻ. Nên mọi người không được chủ quan”, ông Chung nói.