Khi các bác sĩ đến nhà tiến hành tiếp nhận giác mạc của bé, cô bé như thiên thần đang thiếp ngủ.
Bao đại án đã và đang xảy ra với ngành ngân hàng. Rủi ro, mất mát, “bốc hơi”, teo tóp giá trị tiền gửi… Có một ngân hàng cũng đang trong tình trạng “nợ xấu”, đó là Ngân hàng Mắt. Khi tại Bệnh viện Mắt T.Ư mỗi ngày ít nhất có 1 người chờ được ghép giác mạc, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng trên 100 giác mạc được cung cấp. Việt Nam mỗi năm vẫn có khoảng 15.000 người mù mới. Dẫu trong thập kỷ qua, đã có 800 giác mạc của 241 người hiến được đón nhận.
Nhưng cùng với những Ngân hàng Máu sống tình nguyện, ngân hàng Sữa mẹ,… chúng ta sẽ cùng gọi chung đó là Ngân hàng Ánh sáng. Ánh sáng của tình thương yêu, chia sẻ, đức hy sinh của những người đồng bào.
Cô bé Hải An là một trong hai trường hợp hiến giác mạc nhỏ tuổi nhất. Trước đó mấy năm là một bé trai 6 tuổi qua đời sau tai nạn giao thông. Theo giới chuyên môn, mỗi người hiến tặng giác mạc như bé Hải An có thể giúp 4 người khác thoát khỏi mù lòa.
Ánh sáng? Có quá nhiều thứ chúng ta không “nhìn thấy”. Hoặc thấy cũng như không. Chúng ta đã lơ đi quá nhiều điều, dù vẫn nhìn bằng những đôi mắt bình thường. Thậm chí còn làm những điều tăm tối.
“Nâng đỡ không trong sáng” có cần ánh sáng không? Doanh nghiệp rầm rộ đắp thêm tượng Bà Chúa Xứ thứ hai trên núi Sam ở An Giang (vốn là di sản độc nhất của quốc gia) để “hút” khách đi cáp treo của mình! Có phải ánh sáng từ tâm linh? Chính quyền Sầm Sơn làm bánh giầy nặng 3 tấn để sắp tới dâng lên đền Hùng. (Phá kỷ lục chiếc bánh giầy 2 tấn cũng tại đây hồi năm ngoái). Trong khi Thanh Hóa vừa tiếp nhận trên 670 tấn gạo Chính phủ cứu đói cho dân trong dịp Tết Mậu Tuất, nhiều nhất trong 4 tỉnh trong cả nước được cứu trợ dịp này. Chiếc bánh khổng lồ dễ dàng che khuất sau nó những thân phận thế sao?
Xông vào bệnh viện chém trọng thương các bác sĩ vừa đem lại hạnh phúc mẹ tròn con vuông cho vợ mình, con người ấy nhìn bằng thứ ánh sáng gì, với đôi mắt nào? Những đôi mắt, cái nhìn thậm chí còn tươi cười của những người vung dao, vung gậy tơi bời chặt phá, đập bỏ chậu hoa, cây cảnh chiều 30 Tết để khỏi phải bị “ép giá”. Tôi sẽ không sa vào tranh cãi, rằng làm vậy để không phá giá, tạo thói quen cho mọi người cứ chờ đến giờ chót mới mua rẻ. Thực ra, “thói quen” ấy là thông thường và sẽ còn tồn tại lâu dài kể cả những xã hội văn minh. Dẫu việc chờ “mua rẻ” không thuộc về số đông. Mà tiếc sao mỗi người không chọn cho mình một ứng xử sáng suốt và cận nhân tình hơn.
Hôm qua, các bạn nhỏ cùng lớp cùng trường với bé Hải An đã đến chia tay bạn mình lần cuối. Nước mắt trẻ thơ đã rơi nhiều. Nước mắt ấy cũng nói với chúng ta thật nhiều…