Bộ trưởng Tài nguyên: Tình trạng doanh nghiệp 'ôm đất' còn phổ biến

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh Như Ý
TPO - Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Trước khi bước vào phiên chất vấn, Bộ trưởng đã báo cáo Quốc hội một số vấn đề quản lý đất đai, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại

Liên quan đến vấn đề thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, ông Hà cho biết, trước năm 2013, mỗi năm Bộ TN&MT nhận được từ 6.000 – 10.000 đơn. Sau khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, đơn thư gửi đến Bộ giảm dần, năm 2017 chỉ còn 3.500 đơn.

Qua công tác tiếp nhận đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân gửi về Bộ thời gian gần đây cho thấy một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo tương đối cao, cụ thể: Thành phố Hà Nội 2.072 đơn, TP HCM 1.125 đơn, Đà Nẵng 132 đơn...

Theo bộ trưởng, tình hình chung về khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng đất đai đã giảm, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai của một số tỉnh, thành phố có nhiều khiếu nại, tố cáo về đất đai còn một số hạn chế.

Trước tiên, theo ông Hà, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đất đai còn chậm hơn so với thời điểm Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, một số tỉnh, thành phố ban hành chưa đầy đủ văn bản được Luật đất đai năm 2013 giao.

Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác nguồn lực đất đai thực hiện còn rất hạn chế, hầu hết là vẫn thực hiện giao, cho thuê trực tiếp cho các nhà đầu tư.

Nguyên nhân là do nhiều địa phương đặt nặng thu hút đầu tư hơn là việc tăng thu ngân sách nhà nước thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại trong nhận thức của một số cán bộ, công chức nhà nước;

Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong đó thủ tục cấp giấy chứng nhận vẫn còn phức tạp nhiều trường hợp chậm, kéo dài hoặc một số cán bộ, công chức chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người dân khiếu nại không đúng quy định của pháp luật nên không thụ lý giải quyết.

Có trường hợp chưa cấp được giấy chứng nhận là do sử dụng đất có vi phạm (lấn, chiếm, giao trái thẩm quyền) hiện trạng dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước hoặc thực hiện không đúng, không đủ; một số nơi nhận thức về việc cấp Giấy chứng nhận còn hạn chế nên chưa tích cực phối hợp kê khai, lập hồ sơ.

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn tồn đọng do phát sinh diện sai phạm trong quá trình xây dựng hoặc thủ tục pháp lý triển khai dự án của chủ đầu tư;

Đáng chú ý, tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng phải xử lý xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố nói trên, mặc dù các địa phương cũng đã tiến hành xử lý theo quy định. Nguyên nhân là do nhiều trường hợp chủ đầu tư dùng nhiều biện pháp đối phó với cơ quan nhà nước không chịu trả lại khối tài sản lớn là quyền sử dụng đất; bên cạnh đó cũng còn tình trạng tại một số địa phương, tại một số dự án cơ quan có thẩm quyền xử lý chưa kiên quyết.

Giá bồi thường thấp hơn giá thị trường

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc xác định giá đất bồi thường cho người dân vẫn còn thấp so với giá thực tế trên thị trường, dẫn đến tỷ lệ khiếu kiện về thu hồi, bồi thường ở mức khá cao do năng lực đội ngũ cán bộ tại địa phương còn yếu, cơ chế quản lý về thu thuế, phí lệ phí hiện nay dẫn đến thông tin giá đất thị trường không chính xác (người dân kê khai giá trị hợp đồng giao dịch thấp hơn hoặc bằng với bảng giá nhà nước quy định, vì nếu kê khai giá cao sẽ bị đánh thuế theo giá kê khai trên hợp đồng); quy trình xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời về tiến độ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

“Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm. Có không ít những quy định của pháp luật đất đai và những quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đất đai thực thi còn hình thức, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm”, ông Hà nhấn mạnh.

Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước. Đẩy mạnh tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai; xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền, để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời.

Cùng với đó là đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai để tạo điều kiện rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch phòng chống các tiêu cực trong công tác quản lý đất đai; sử dụng các phương pháp định giá đất phù hợp để xác định giá đất đảm bảo tính chính xác ở cả số liệu đầu vào và số liệu đầu ra...

MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.