Chiều 4/6, trước khi bước vào phiên chất vấn, trong vài phút báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cảm ơn Quốc hội vì có thêm một cơ hội đăng đàn. Ông cũng bày tỏ rằng: “Khó khăn nhiều quá, nên năm 2017 tôi tưởng không thể vượt qua được”. Câu nói này nhận được những nụ cười chia sẻ từ các đại biểu Quốc hội tại nghị trường.
ĐB Hoàng Văn Hùng, Thái Nguyên đặt câu hỏi: Thời gian qua Bộ có nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm nhưng vẫn tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất sinh hoạt của dân. Trách nhiệm của bộ và giải pháp trước mắt lâu dài cho việc này?
ĐB Lê Công Đỉnh, Long An nêu: Tình trạng xói lở rất phức tạp, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân giải pháp phòng ngừa thế nào về việc này?
Lê Công Nhường, Bình Định đặt vấn đề: Việc xử lý rác còn nhiều bất cập, công nghệ chưa đạt. Đến nay hai bộ TN&MT và KHCN đã áp dụng mô hình xử lý rác thải ra sao?
Trả lời ba câu hỏi đầu tiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nguồn thải nhà máy KCN, thời gian qua đã kiểm soát cơ bản nguồn thải này, có biện pháp cụ thể giám sát trước khi thải ra môi trường. Có một điều hiện rất khó khăn là hiện chưa chú ý khâu thu gom nước thải lẫn nước mưa với nhau.
“Hiện nay trên 95% nước thải chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều làng nghề truyền thống công nghệ cũ lạc hậu, chưa kiểm soát được hết làng nghề, cụm công nghiệp”, ông Hà nói.
Về trách nhiệm, theo Bộ trưởng hiện đã có cơ chế. Thời gian qua đã có tiến bộ bước đầu, địa phương nào có nhiều nguồn nước thải, phải lo xử lý tại nguồn. Như Hà Nội hiện đã xã hội hóa, thu hút tư nhân vào tham gia xử lý nước thải.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng, từng thành phố phải chịu trách nhiệm. Đồng thời phải có sự đầu tư, từng bước để người dân tham gia vào việc này.
Về câu hỏi xói lở bờ sông, ông Hà cho biết, quản lý cát lỏng lẻo, cát tặc đang lộng hành, gây xói lở. Rồi quy hoạch về giao thông, công trình thủy lợi thế nào để giải quyết được trên bình diện tổng thể.
Về giải pháp, bộ sẽ làm tốt khâu, trình để Chính phủ sớm ban hành nghị định, xác định rõ trách nhiệm của chủ thể, đặc biệt UBND các cấp. Rồi phải có quy hoạch tổng thể, xem xét sự tác động và mối quan hệ tác động. Cuối cùng sẽ phải khoanh vùng cấm. Việc xây dựng dẫn tới cấu trúc hai bên bờ sông rất mềm yếu. Cần di dân có kế hoạch, tránh sự cố.
Liên quan đến rác thải, theo Bộ trưởng, chất thải rắn các nước họ phân loại ngay từ đầu, chúng ta phải phát động phong trào toàn dân tham gia xử lý rác.