Nhiều cây xanh trên tuyến đường huyết mạch dẫn vào thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ bị bật gốc ngã chắn ngang đường. May mắn thời điểm cây ngã mưa to gió lớn, không có phương tiện lưu thông ngoài đường nên không gây ra thiệt hại đáng tiếc. Tuy nhiên, cây xanh ngã đè trúng đường dây điện khiến cả khu vực bị cúp điện trong nhiều giờ.
Chiều tối qua, bão số 9 suy yếu và không đổ bộ trực tiếp vào huyện Cần Giờ nên nhiều người dân nơi đây bớt phần lo lắng. Để chủ động ứng phó bão và diễn biến thời tiết bất thường sau bão, lãnh đạo UBND TPHCM tập trung lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TPHCM cho hay, huyện đang ghi nhận một số thiệt hại do cơn bão gây ra. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra tình trạng cây xanh trên địa bàn để kịp thời xử lý khi có hiện tượng cây nghiêng, ngã, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Tại Bình Thuận: Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TTKCN tỉnh Bình Thuận cho biết: TP Phan Thiết chìm và hư hỏng 33 chiếc thuyền máy công suất dưới 20CV. Riêng phường Hàm Tiến thiệt hại 31 chiếc (12 thuyền máy bị đứt dây neo, có 3 thuyền mất tích và 9 thuyền thiệt hại 100%; 4 thúng máy đứt dây neo mất tích; 15 thuyền máy công suất dưới 20cv hư hỏng 100%); phường Mũi Né có 2 thúng máy đứt dây neo thiệt hại 100%. Bão gây sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến đoạn dài 2km và ngã đổ 2 hàng dừa và một số tường rào của hộ dân.
Từ khu du lịch (KDL) Biển Xanh đến KDL Làng Tre chiều dài khoảng 1km, do ảnh hưởng của sóng to, gió mạnh đã gây sạt lở thêm, sâu vào đất liền từ 5 - 10m. Hiện tại các chủ KDL đang huy động lực lượng của cơ sở dùng bao cát, vải bạt đắp kè để khắc phục tạm, đảm bảo an toàn. Trong khi đó, từ KDL Làng Sen đến KDL Rạch Dừa (dài khoảng 1,5 km), mặc dù được chủ cơ sở gia cố bằng kè túi vải (công nghệ Hà Lan) dọc ven biển, tuy nhiên sóng mạnh đang uy hiếp, khả năng gây hư hỏng, sạt lở là rất cao.
Tại huyện Tuy Phong: Kè bảo vệ bờ biển Phước Thể bị sóng đánh sụp mặt kè làm sụp 25 m2 kè. Trong khi ở huyện Phú Quý ghi nhận của cơ quan chức năng cho thấy bão làm 2 chiếc tàu neo tại cảng Phú Quý bị va đập và hư hỏng nhẹ; 1 chiếc xuồng nhỏ dưới 20 CV bị chìm tại cảng vào tối ngày 24/11, hiện đang trục vớt.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận của phóng viên cho thấy, khoảng 9 giờ sáng 25/11, bão số 9 (Usagi) đổ bộ TP Vũng Tàu và nhiều địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gây mưa to, gió mạnh. Lượng mưa lớn trong khi nhiều cống rãnh không kịp thoát nước đã gây nên tình trạng ngập sâu trên nhiều tuyến đường như: Ba Tháng Hai, Hạ Long, Lê Hồng Phong… Người dân lưu thông bằng xe máy phải đi vào làn ô tô hoặc phần tim đường cao hơn để tránh bị ngập xe.
Trên tuyến đường ven biển Hạ Long thuộc khu vực Bãi Sau (phường 2, TP Vũng Tàu), mưa lớn kèm gió lốc mạnh khiến nhiều đồ đạc, bảng hiệu bị xô đổ, rơi rụng vào trưa 25/11.
Hàng loạt cây xanh kích cỡ lớn bật gốc, ngã đổ chắn đường đi hoặc ngã vào nhà trên các con đường trung tâm TP như Hoàng Hoa Thám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Du… Đáng kể, đến 15 giờ cùng ngày, gió mạnh làm cây xanh ngã đổ cắt đứt đường dây điện gây nên tình trạng mất điện diện rộng trên địa bàn TP Vũng Tàu và các vùng lân cận.
Đến 13 giờ chiều qua, bão số 9 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Cây bị gió quật ngã đè chết người đi đường
Lúc 14 giờ 15 phút ngày 25/11 khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh thuộc tổ 220 E ấp 4 B, xã Bình Hưng, H. Bình Chánh, hướng từ quận 7 ra quốc lộ 1A, anh Nguyễn Văn Tân (48 tuổi, quê quán Đồng Tháp, tạm trú tại Tân Phú, TPHCM), đã bị một cây xanh có chiều cao hơn 14m ngã xuống đè lên người cùng xe máy. Người đi đường phát hiện và đã đưa nạn nhân vào Bệnh viện Nam Sài Gòn cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên anh Tân đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
L.N
TPHCM ngập trên diện rộng Từ chiều 25/11, TPHCM có mưa lớn trên diện rộng khiến hàng loạt tuyến đường, khu dân cư trên nhiều quận huyện ngập nặng suốt nhiều giờ gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Mưa kèm theo gió giật mạnh cũng làm hàng loạt cây xanh bị quật ngã. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tính đến 17h chiều 25/11, lượng mưa đo được nhiều nhất là tại trạm Dương Quảng Hàm (153 mm), nhiều khu vực khác cũng có lượng mưa lớn từ 100-150mm gây ngập trên diện rộng. Hàng loạt tuyến đường như Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Lã Xuân Oai (quận 9), Cây Trâm (quận Gò Vấp), khu Thảo Điền (quận 2), Nguyễn Văn Quá (quận 12)…, bị ngập nặng. Tương tự, các tuyến đường khác như Phạm Văn Đồng quận Bình Thạnh, Phạm Văn Chiêu quận Gò Vấp, Nguyễn Văn Quá quận 12, Lã Xuân Oai quận 9… cũng lâm vào tình trạng ngập nặng.
Ngô Bình