Thảo luận tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa IX (kỳ họp bất thường) diễn ra vào sáng 15/3, đề cập đến tờ trình của UBND TPHCM về nâng thu nhập cho cán bộ công chức viên chức, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị nói một vấn đề nổi lên là công tác đánh giá cán bộ làm cơ sở để nâng thu nhập.
Ông Quang cho biết việc đánh giá cán bộ hiện nay hầu hết các cơ quan đơn vị thực hiện một lần vào cuối năm bằng một cuộc họp bình bầu chung chung.
Có tình trạng những người làm việc tích cực đầu năm và giữa năm, đến cuối năm bình bầu lãnh đạo cơ quan không nhớ.
Ngược lại, có những trường hợp đầu năm, giữa năm không tích cực, đến gần cuối năm mới làm việc, khi họp bình bầu, lãnh đạo đơn vị không nắm nên đánh giá cao.
“Đánh giá cuối năm mang tính chất cào bằng, đa số cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ nên sẽ không khuyến khích những người tích cực, cũng như khó xử lý những người không tích cực. Đó là chưa nói cuối năm cán bộ công chức còn bỏ phiếu cho lãnh đạo. Lãnh đạo đánh giá anh em sát quá cũng ngại”, ông Quang nói.
Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM cho biết, đơn vị ông có biểu mẫu và bộ tiêu chí đánh giá cán bộ hàng tháng, từ nhân viên đến trưởng, phó phòng. Có đánh giá hàng tháng kết quả mới chính xác, phù hợp và không gây tâm tư cho cán bộ công chức và tránh cào bằng khi xem xét nâng thu nhập.
Ông Quang cũng cho rằng tiêu chí viên chức không làm công tác quản lý muốn được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ phải có một công trình nghiên cứu được công nhận là rất khó đạt.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm, nâng thu nhập cho cán bộ công chức phải đi đôi với việc nâng hiệu quả và tinh giản bộ máy. Nâng không phải là cào bằng mà phải xem xét kết quả hoạt động của cả đơn vị và từng cá nhân.
Sắp tới, TPHCM sẽ có văn bản hướng dẫn để đánh giá cán bộ nhằm chi tăng thu nhập cho cán bộ công chức viên chức như thế nào cho hiệu quả.
“Một số đơn vị đã có phương pháp đánh giá rất hiệu quả, như Ban Quản lý đường sắt đô thị chẳng hạn. Sắp tới Sở Nội vụ sẽ tham khảo, học tập kinh nghiệm”, ông Lắm nói.
Đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức TPHCM trước khi trình ra kỳ họp HĐND TPHCM đã được lấy ý kiến phản biện xã hội.
Đáng lưu ý, tại hội nghị phản biện do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng phải đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ chính xác, công bằng để tạo động lực làm việc, không được “cào bằng”, “dĩ hòa vi quý” để rồi ai cũng được tăng thu nhập, nhất là cán bộ yếu, kém.
Theo nội dung tờ trình của UBND TPHCM tại kỳ họp, đề án này là một trong số 21 nội dung, đề án của UBND TPHCM nhằm triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Theo tờ trình của UBND TPHCM, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 là 0,6 lần, năm 2019 là 1,2 lần và đến năm 2020 thì tăng thêm 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.
Đối tượng được chi trả thu nhập tăng thêm là cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn được cơ quan thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Nguyên tắc thực hiện chính sách chi trả tăng thêm đảm bảo “gắn với hiệu quả công việc” và “không cào bằng”. Việc chi trả căn cứ vào kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện TPHCM có 11.645 công chức, 122.157 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Theo đó, dự kiến nhu cầu kinh phí để tăng thu nhập năm 2018 là hơn 2.342 tỷ đồng.