Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1/5.000 được hình thành thế nào?

Bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.
Bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.
Kiến trúc sư trưởng TP HCM và cộng sự đã điều tra rất kỹ về vùng đất Thủ Thiêm, bản đồ 1/5.000 sau đó được kèm với đồ án trình Thủ tướng phê duyệt.

Là người chủ trì lập quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, ông Lê Văn Năm (nguyên Kiến trúc sư trưởng TP HCM giai đoạn 1996-2001) cho biết, thành phố xác định Thủ Thiêm là vùng đất rất quan trọng nên yêu cầu phải cân nhắc mọi yếu tố quy hoạch ranh giới. Trước khi lập quy hoạch vào đầu những năm 1990, nhóm ông Năm đã phải điều tra rất kỹ về vùng đất này.

Trên thực tế, từ trước năm 1975, một số công ty nước ngoài đã có đồ án quy hoạch vùng đất Thủ Thiêm, đáng chú ý nhất là phương án quy hoạch của kiến trúc sư người Mỹ gốc Hy Lạp Doxiadis. Tuy nhiên, đồ án của ông này dù khá quy mô nhưng được cho là không phù hợp với yêu cầu của thành phố khi đó.

Khi được giao nhiệm vụ quy hoạch Thủ Thiêm, Kiến trúc sư trưởng TP HCM cũng ít nhiều dựa vào bản quy hoạch của ông Doxiadis đã làm, nhất là dựa vào tổng diện tích mặt bằng được duyệt để làm quy hoạch thiết kế Thủ Thiêm, hoàn thành đồ án, hồ sơ cùng bản đồ tỷ lệ 1/5.000 trình Thủ tướng năm 1996.

Buộc phải có bản đồ 1/5.000 kèm đồ án

Theo quy định, khi Kiến trúc sư trưởng TP HCM ký những đồ án quy hoạch được giao đều kèm theo bản đồ liên quan (1/5.000) để minh họa. Quy hoạch Thủ Thiêm cũng không nằm ngoài quy định đó. Tức là, Kiến trúc sư trưởng TP HCM sau khi hoàn tất dự thảo sẽ trình hồ sơ kèm bản đồ 1/5.000 của dự án lên UBND TP HCM để nơi này trình Thủ tướng.

Sau khi nhận được dự thảo quy hoạch, Văn phòng Chính phủ rà soát các mặt chuyên môn, thủ tục và lấy ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường… Cuối cùng Thủ tướng mới ký quyết định phê duyệt dự án.

"Thủ tướng phê duyệt xong, theo tôi biết UBND TP HCM là đơn vị hưởng thụ nên sẽ nhận quyết định chấp thuận quy hoạch kèm bản đồ 1/5.000 gốc của khu đô thị Thủ Thiêm. Một bộ hồ sơ tương tự cũng sẽ được lưu trữ ở Văn phòng Chính phủ", ông Năm nói.

"Từ lúc quy hoạch được duyệt đến lúc nghỉ hưu vào tháng 6/2001, tôi không nghe chuyện bản đồ quy hoạch bị mất hay thất lạc. Gần đây qua báo chí tôi mới biết thông tin này", ông cho biết thêm.

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1/5.000 được hình thành thế nào? ảnh 1 Bản đảo Thủ Thiêm nhìn về hướng quận 1. Ảnh: Quỳnh Trần

Bản đồ thất lạc không ảnh hưởng quy hoạch Thủ Thiêm

Xét về góc độ chuyên môn và tính pháp lý, ông Lê Văn Năm nói, việc thất lạc bản đồ gốc 1/5.000 không ảnh hưởng tới quy hoạch dự án vì sau này mọi bản đồ liên quan đều được Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủ Thiêm làm rất kỹ và chi tiết từng phân khu chức năng, hạ tầng. 

"Có thể giai đoạn đầu quy hoạch thế này nhưng sau lại mở rộng quy hoạch, hoặc ngược lại. Đây là chuyện bình thường trong triển khai thực hiện quy hoạch", ông Năm nói.

Cùng quan điểm, TS Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM) cho rằng, bản đồ này chỉ mang tính tham khảo. Còn để rõ hơn quy hoạch có tác động đến quyền lợi người dân, ranh giới đất... phải dựa vào bản đồ quy hoạch 1/2.000.

"Cấp giấy phép, giao đất xây dựng hạ tầng, dự án, hiện nay phải theo bản đồ quy hoạch 1/2.000. Bản đồ TP HCM nói bị thất lạc vốn chỉ dùng để nghiên cứu, mang tính định hướng. Nếu bị mất vẫn có thể căn cứ các văn bản được duyệt", ông Cương nói.

Theo TS Võ Kim Cương, các dự án lớn phải căn cứ từ bản đồ quy hoạch 1/5.000 đến bản đồ 1/2.000, những vùng chưa có bản đồ 1/2.000 thì phải căn cứ 1/5.000. Bản đồ 1/5.000 do Kiến trúc sư trưởng (hoặc Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc) trình, khi trình duyệt phải lưu trữ bản đồ đó. Việc thất lạc có thể do lưu trữ hoặc trong quá trình di chuyển.

Quyết định 367 về phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 4/6/1996 gồm các nội dung: diện tích 930 ha, trong đó Khu đô thị mới rộng 770 ha, Khu tái định cư 160 ha; Dân số Khu đô thị mới khoảng 200.000 người; Khu tái định cư: 45.000 người.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP HCM, Bộ trưởng Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bao gồm các nhiệm vụ: lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định; hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt; ban hành Điều lệ quản lý xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung và huy động các nguồn vốn trong nước, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đạt yêu cầu hiện đại.

Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, Khu đô thị Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM. Khu đô thị có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

Trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2015, UBND TP HCM cho biết tổng vốn đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỷ đồng.

Quá trình xây dựng đã xảy ra nhiều tranh chấp, liên quan việc xác định ranh quy hoạch, dẫn đến kiện tụng kéo dài nhiều năm nay.

Giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đích thân đối thoại với đại diện các hộ có khiếu nại. Phần lớn các hộ dân cho rằng đất của mình không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ (1/5.000) đi kèm với Quyết định 367 để xác định ranh quy hoạch. Tuy nhiên, thành phố không thể cung cấp được bản đồ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Cần Thơ sáp nhập 4 phường ở quận trung tâm
Cần Thơ sáp nhập 4 phường ở quận trung tâm
TPO - Sáng 19/11, UBND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1192/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023-2025.