Tập đoàn tư nhân biến ngân hàng thành 'con tin'

Ngân hàng Phương Nam hiện có những cá nhân sở hữu cổ phần vượt quá quy định - Ảnh: Thanh Niên
Ngân hàng Phương Nam hiện có những cá nhân sở hữu cổ phần vượt quá quy định - Ảnh: Thanh Niên
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính QG Lê Xuân Nghĩa trong cuộc gặp với Thủ tướng vừa qua đã thẳng thắn bày tỏ, ông thấy lo ngại tình trạng một số cổ đông là cá nhân hay các tập đoàn tư nhân đang biến ngân hàng thành 'con tin' của mình

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng dù được cảnh báo gây ra những hệ lụy, rủi ro khôn lường cho hệ thống và nền kinh tế, nhưng thực tế thời gian qua việc “cắt” bỏ khối u này vẫn chưa được làm đến nơi, đến chốn

Giăng như mạng nhện

Từ năm 2012 đến nay, đã không dưới 2 lần người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - khi dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) nhắc nhở: Phải kiên quyết chặt đứt sở hữu chéo, không để tình trạng này lũng đoạn hệ thống NH, gây mất an toàn cho cả thị trường tài chính và nền kinh tế.

Có NH thống kê cho vay toàn trung, dài hạn nhưng chỉ dành cho ông chủ và tập đoàn của ông chủ. Đến hạn trả nợ, món vay lại kéo dài ra vì chủ trương hiện nay cho phép các NH được quyền gia hạn, tái cơ cấu lại nợ

   Ông Lê Xuân   Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

 

Cho đến giờ, việc xử lý sở hữu chéo đã đạt được những kết quả bước đầu khi NH Nhà nước VN (NHNN) trong quá trình tái cơ cấu hệ thống đã buộc 8 NH yếu kém, hoạt động không hiệu quả phải hợp nhất, sáp nhập lại. Tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa nói lên được nhiều điều khi hiện tại mối quan hệ giữa các cổ đông trong hệ thống NH vẫn đang chằng chịt như một mạng nhện.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong ví sở hữu chéo đang “giăng” như tơ nhện từ các NH thương mại (TM) nhà nước với các NH cổ phần (CP). Đơn cử, hiện tại có gần chục NH TMCP có quan hệ CP với NHTM nhà nước chẳng hạn như giữa Vietcombank với các NH Quân đội (MB), Eximbank, Phương Đông... Vẫn theo TS Phong, ngay cả các NH TMCP cũng đang sở hữu lẫn nhau như Eximbank sở hữu CP của NH khác như Sacombank, VietABank.

Sở hữu chéo không phải lúc nào cũng gây ra hệ lụy tiêu cực, bởi nó góp phần cải thiện sự hỗ trợ vốn, công nghệ, kinh nghiệm lẫn nhau giữa các thành viên. Nhưng nó thực sự gây ra “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ, khi mà cổ đông là thể nhân hay pháp nhân sở hữu tỷ lệ CP chi phối, có quyền định đoạt tại nhiều NH khác nhau.

Trong số hình thức sở hữu chéo, rủi ro nhất theo TS Phong là việc các cổ đông, nhóm cổ đông chi phối một hay nhiều NH bị sở hữu bởi các tập đoàn tư nhân. Khi đó, mọi tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động tín dụng sẽ bị phá vỡ, NH “bơm” vốn cho “sân sau”, cho nhóm khách hàng có quan hệ thân thiết với các cổ đông chi phối. Điều này khiến mọi hệ số an toàn của NH bị lệch chuẩn, con số phản ánh chỉ là số ảo.

Nhiều trường hợp vượt rào

Hệ lụy của sở hữu chéo được nhìn thấy rõ nhưng việc xử lý nó vẫn chưa thực sự làm nhiều người yên tâm. TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam), cho biết theo luật Tổ chức tín dụng, một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ (trừ một số trường hợp đặc biệt), cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Quy định này rất chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng trên thực tế, có không ít tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cá nhân.

Báo cáo quản trị năm 2013 của chính NH Phương Nam (Southern Bank) vừa công bố cho thấy, dù không giữ các chức vụ chủ chốt tại Southern Bank nhưng ông Trầm Bê vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 8,36% vốn điều lệ. Con trai ông là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trầm Trọng Ngân giữ 4,42% vốn điều lệ. Em gái Trầm Trọng Ngân là Trầm Thuyết Kiều - đang là Phó tổng giám đốc Southern Bank - nắm số CP tương đương 7,36% vốn. Chồng của Trầm Thuyết Kiều là ông Lê Trọng Trí cũng sở hữu 0,67% vốn của NH. Tổng cộng, gia đình ông Trầm Bê đang nắm hơn 1/5 tổng số CP của Southern Bank, vượt quá quy định.

Báo cáo của một NH khác ở phía bắc cho thấy, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NH này đang nắm giữ gần 7% CP BacABank. Chủ tịch HĐQT BacABank Trần Thị Thoảng cũng giữ gần 5,2% CP.

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa trong cuộc gặp với Thủ tướng vừa qua đã thẳng thắn bày tỏ, ông thấy lo ngại về tình trạng một số cổ đông là cá nhân, hay các tập đoàn tư nhân đang biến NH thành “con tin” của mình.

Ông Nghĩa phản ánh: “Có NH thống kê cho vay toàn trung, dài hạn nhưng chỉ dành cho ông chủ và tập đoàn của ông chủ. Đến hạn trả nợ, món vay lại kéo dài ra vì chủ trương hiện nay cho phép các NH được quyền gia hạn, tái cơ cấu lại nợ”.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, ông Nghĩa kiến nghị: “Phải dứt khoát yêu cầu các cổ đông này thoái vốn ra khỏi hệ thống NH. Không thể để tình trạng tập đoàn tư nhân lớn biến NH thành con tin của mình, thường xuyên đẻ dự án mới vay vốn bù đắp cho dự án cũ”.

Ngay sau khi nghe kiến nghị, Thủ tướng lập tức phát đi yêu cầu NHNN phải sớm báo cáo và đề xuất phương án xử lý dứt điểm một số cổ đông, tập đoàn tư nhân sở hữu chéo trong hệ thống NH. Đặc biệt, là tại một số NH ở khu vực phía nam.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành: Phải làm rõ, quy trách nhiệm

Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH hiện nay rất phức tạp. Sở hữu chéo khiến tính chất ảo trong hoạt động NH tăng lên, NH không thể kiểm soát được chính dòng tiền của mình đang vào “sân trước” hay “sân sau”. Đây là cội nguồn của nợ xấu. Vì vậy, NHNN với chức năng là NH T.Ư cần làm rõ cá nhân, tổ chức nào mua CP tại các NH vượt quá mức quy định góp vốn 5%, 15%. Sở hữu chéo gây ra thiệt hại như thế nào thì quy rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức để rồi có sự thỏa thuận, khắc phục hậu quả.

 Theo Anh Vũ

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG