Sẽ xử lý vài ngân hàng có 'sở hữu chéo'

Sẽ xử lý vài ngân hàng có 'sở hữu chéo'
Các chuyên gia kinh tế đang đề nghị Chính phủ xử lý mạnh tay với tình trạng sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn trong ngân hàng nhằm lành mạnh hoá lại hệ thống tài chính của Việt Nam.

>> Sở hữu chéo Ngân hàng mê hồn trận

Ma trận 'sở hữu chéo' ngân hàng
Ma trận 'sở hữu chéo' ngân hàng. Ảnh: Internet

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa thuộc nhóm nghiên cứu của Thủ tướng cho biết, có nhiều ngân hàng thương mại đang trong tình trạng ông chủ ngân hàng là ông chủ tập đoàn, tức là vừa là chủ nợ, vừa là con nợ của ngân hàng đó.

"Chúng tôi đã đề nghị với Thủ tướng và Chính phủ là dứt khoát phải dùng các biện pháp đưa những ông chủ đó khỏi hệ thống ngân hàng để họ quay lại với tập đoàn, nếu họ sở hữu lũng đoạn", ông nói tại hội thảo "Chuyển động kinh tế vi mô và triển vọng tái cấu trúc ngân hàng thương mại Việt Nam" do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức sáng 9-10.

Ông Nghĩa bổ sung: "Sắp tới có thể một số ngân hàng được xử lý theo hướng này" để tránh tổn thất dài hạn và cú sốc ngắn hạn trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ông không nêu tên ngân hàng nào cụ thể.

Gần đây, các chuyên gia kinh tế như ông Lê Đăng Doanh đã lên tiếng cảnh báo có những ngân hàng thương mại cho vay tới 70% tổng dư nợ cho chỉ 1 dự án.

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nghĩa cho biết, Thủ tướng đã rất ủng hộ đề xuất này, và muốn xử lý một vài ngân hàng trong thời gian tới.

Ông Nghĩa cho biết, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phân loại nợ đã phải lùi thời hạn 1 năm do nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn đã phản đối quyết liệt.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, thiếu cơ sở pháp lý; và tâm lý lo lắng rằng hình sự hoá các trường hợp như vậy có thể ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, là những rào cản gây khó khăn cho quá trình xử lý sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn.

Ông Nghĩa cho biết, NHNN đang chuẩn bị tới 10 đề án hiện đại hoá ngân hàng bao gồm áp dụng các quy định theo chuẩn mực quốc tế về kế toán, quản trị rủi ro, chỉ tiêu an toàn, kiểm toán nội bộ,...

Gần đây, NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu ở hệ thống ngân hàng thương mại chỉ còn khoảng 139.000 tỉ đồng, tức khoảng 4,6% tổng dư nợ.

Giao dịch tại một ngân hàng, ảnh chỉ có tính minh họa
Giao dịch tại một ngân hàng, ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Internet

Tại hội thảo, ông Bùi Huy Thọ thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN cho biết, tốc độ tăng của nợ xấu trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm đáng kể (chỉ bằng 1/3) so với 8 tháng đầu năm 2012 (tăng hơn 59%).

Ông bổ sung thêm, cũng trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm nay, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro được hơn 95.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã lên kế hoạch mua 30.000- 35.000 tỉ đồng nợ xấu trong quí 4 năm nay, sau khi đã ký hợp đồng mua gói nợ xấu đầu tiên trị giá 1.723 tỉ đồng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nghĩa cho rằng, VAMC thậm chí có thể mua nợ xấu trị giá 50.000- 60.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại.

Ông tỏ ra tin tưởng: "Tín hiệu đáng mừng là có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn rất khủng, đang xếp hàng vào mua nợ xấu. Họ muốn mua những gói lớn, chứ không mua lẻ tẻ".

Hai nhận định trên cho thấy vấn đề xử lý nợ xấu có vẻ thuận lợi hơn so với những góc nhìn của các tổ chức quốc tế.

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á Dominic Mellor trích dẫn số liệu của các tổ chức quốc tế cho rằng, tỷ lệ nợ xấu phải lên đến 15-16% tổng dư nợ.

Ông cảnh báo rằng, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam rất bất định khi giá trị tài sản đảm bảo là đất đai đã sụt giảm so với sổ sách, và vì thế vấn đề xử lý nợ xấu sẽ còn nhiều khó khăn.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG