World Cup 2022: Khi bóng đá không tạo được kết nối

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã hơn một lần FIFA luôn khẳng định không để chính trị can thiệp vào các hoạt động của bóng đá thế giới. Nhưng đến thời điểm hiện tại khi trái bóng World Cup còn chưa lăn hết vòng bảng, đã có thể chắc chắn rằng thế giới bóng đá đang phải đối mặt những nguy cơ trực diện, thách thức các giá trị truyền thống, gây nên bởi những va đập giữa các nền văn hoá và không loại trừ có yếu tố chính trị can thiệp phía sau.
World Cup 2022: Khi bóng đá không tạo được kết nối ảnh 1
Bạo loạn đã xảy ra ở Brussels khi hàng trăm người nhập cư Morocco tuần hành ăn mừng chiến thắng trước đội tuyển Bỉ tại World Cup 2022

Dù không phải thế lực lớn, cuộc đối đầu giữa đội tuyển Iran và Mỹ tại World Cup 1998 bỗng gây chú ý bởi mối thù địch giữa 2 quốc gia sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Theo quy định của FIFA, đội B sẽ sang bắt tay đội A nhưng một nguồn tin tiết lộ với truyền thông rằng, lãnh đạo Iran đã lệnh cho đội tuyển nước này không thực hiện nghi thức trên. BTC chủ nhà đã phải tăng cường tối đa công tác đảm bảo an ninh, do những cảnh báo về nguy cơ xảy ra bạo động trên khán đài.

Cho dù FIFA đã hơn một lần cảnh báo về can thiệp chính trị vào bóng đá, nó dường như vẫn xảy ra và đến World Cup 2022, nó thậm chí tạo nên những thách thức vô cùng lớn với các giá trị truyền thống của bóng đá. Ở Qatar, người ta đã chứng kiến những cuộc va đập do sự khác biệt giữa các nền văn hoá, không loại trừ cả những động cơ chính trị phía sau.

Năm 1998, các cầu thủ đội tuyển Mỹ rốt cuộc đã chấp nhận nhượng bộ trên tinh thần thể thao, để bước qua bắt tay các đồng nghiệp Iran. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-1 cho Iran cùng màn trao hoa và quà, chụp ảnh kỷ niệm giữa đôi bên. Khoảnh khắc đẹp tại Pháp đã giúp Mỹ và Iran giành giải fair-play của FIFA năm đó, được bình luận như một chất xúc tác góp phần xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia.

Mọi thứ đang rất khác 24 năm sau.

Đội tuyển Đức đã bắt đầu trận đấu với Nhật Bản hôm 23/11 bằng việc tất cả các thành viên bịt tay che miệng khi chụp ảnh, hành vi được lý giải nhằm phản đối lệnh cấm các thủ quân đeo băng “OneLove” trong các trận đấu tại World Cup 2022. Băng “OneLove” hay “trái tim cầu vồng” thể hiện sự ủng hộ cho sự đa dạng, không phân biệt đối xử, đặc biệt với cộng đồng người đồng tính (LGBTQ). Tại Qatar, LGBTQ bị xem là bất hợp pháp, chính phủ Qatar không công nhận hôn nhân đồng giới và FIFA không muốn xảy ra xung đột giữa các đội tuyển và nước chủ nhà.

World Cup 2022: Khi bóng đá không tạo được kết nối ảnh 2
Các cầu thủ Đức che miệng khi chụp ảnh. Ảnh: AFP

Hành động của tuyển Đức ám chỉ FIFA can thiệp vào quyền tự do ngôn luận, nhận được sự ủng hộ của chính Liên đoàn Bóng đá nước này (DFB) và chính giới chính trị gia trong nước. Trên khán đài danh dự trận đấu của Đức và Nhật Bản hôm đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser ung dung ngồi cạnh Chủ tịch FIFA Gianni Infantino với tấm băng “OneLove”. FIFA không thể phạt bà Faeser và ông Infantino có lẽ cũng đủ chuyên nghiệp để không đưa ra một biểu hiện nào. Nhưng nó thực sự tạo nên một làn sóng tranh luận mạnh mẽ.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã lên tiếng về sự “đa dạng văn hoá” khi nhắc đến World Cup 2022 tại Qatar. Khi câu chuyện được đề cập bởi các chính trị gia, nó đã không còn nằm trong phạm vi của bóng đá đơn thuần. Trước đó, truyền thông phương Tây, đặc biệt là Anh và Đức đã liên tục đưa ra nhiều thông tin công kích công tác đăng cai World Cup 2022 của Qatar.

Rất khó để phân định đúng sai trong các lập luận của đôi bên. Nhưng ở đây khi ông Blinken nhắc đến sự “đa dạng văn hoá”, cần lưu ý Qatar đại diện cho thế giới Ảrập, có thể khác biệt nhưng thuộc một cộng đồng tín ngưỡng đông bậc nhất thế giới. Cũng cần nhắc lại Qatar đã giành quyền đăng cai World Cup 2022 nhờ các lá phiếu của số đông trong BCH FIFA, trong đó có những lá phiếu của các quốc gia châu Âu như Pháp hay Đức. Tức là có thể tin rằng khi bỏ phiếu cho Qatar, DFB ắt phải lường trước về những vấn đề có thể phát sinh, bao gồm cả việc World Cup bị đổi thời điểm từ hè sang đông như một tiền lệ đầy kỳ lạ, và các khác biệt văn hoá của nước chủ nhà.

Cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter rốt cuộc mới đây tuyên bố, trao quyền đăng cai World Cup cho Qatar có thể là một sai lầm. Khi nói ra điều trên, ông Blatter có lẽ đã quên không nhắc đến những hợp đồng kinh tế béo bở, các thương vụ làm ăn trị giá hàng tỷ đô la Qatar thực hiện ở Đức và đặc biệt là Pháp sau thời điểm chính thức giành quyền đăng cai. Truyền thông Pháp thậm chí sau này hé lộ về bữa ăn trưa đặc biệt giữa cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini tại điện Elysee, với sự góp mặt của một số thành viên Hoàng gia và chính phủ Qatar, trong đó có Hoàng tử SheikhTamim Bin Hamad Al Thani. Qatar Sport Investment đã mua PSG, biến nó thành một thế lực với các bản hợp đồng của Neymar, Messi, Mbappe… Châu Âu cũng chấp nhận dòng tiền từ thế giới Ảrập đổ vào bóng đá, mà Manchester City là một ví dụ.

Có nhiều những ví dụ khác cho thấy bóng đá vẫn đứng trước những thách thức do sự khác biệt, va đập về văn hoá và cả những quyết định mang màu sắc chính trị, kinh tế. Nhưng nếu như trước đây, bóng đá vẫn làm khá tốt vai trò như một công cụ kết nối (trường hợp Mỹ và Iran năm 1998), thì hiện nay, giá trị đó cũng trở nên hết sức mong manh.

Việc loại đội tuyển Nga là một ví dụ, bên cạnh những phản ứng vẫn đang xảy ra khi trái bóng World Cup 2022 còn chưa lăn hết vòng bảng. Một trong số đó là cuộc bạo loạn của hàng trăm CĐV người nhập cư Morocco ở Brussels xảy ra sau chiến thắng của đội bóng châu Phi trước đội tuyển Bỉ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.