Theo đánh giá của WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước.
Các chuyên gia của WB cho rằng, lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
“Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc chững lại”, WB nhận định.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Tăng trưởng chậm lại cũng do tác động từ các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại do cuộc chiến ở Ukraina và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng COVID-19 mới.
“Nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, nên nếu chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa thì tác động đến tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ. Chính sách tiền tệ vẫn cần nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng nhằm kiểm soát rủi ro trong khu vực tài chính”, WB nhận định.
Theo đánh giá của WB, việc có thêm các cú sốc khác sẽ có thể dẫn đến kịch bản xấu, theo đó tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.
"Mặc dù một số quốc gia lớn có thể được trang bị tốt hơn để đương đầu với những cú sốc nêu trên, nhưng những tác động đó sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Theo kịch bản xấu, nếu tình hình toàn cầu trở nên xấu hơn và phản ứng chính sách trong nước yếu ớt thì tăng trưởng có thể giảm còn 4%"- báo cáo của WB chỉ rõ.
WB cho rằng, phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và các lĩnh vực. Cụ thể, trong báo cáo, trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 5 về tăng trưởng GDP, với mức tăng trưởng 5,3% ở kịch bản cơ bản và 4% ở kịch bản xấu. Philippines dự báo tăng 5,7%; Malaysia 5,5%; Indonesia 5,1%; Trung Quốc 5%; Lào 3,8%; Thái Lan 2,9%… ở kịch bản cơ bản.