Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 4 đã giảm 13,3%, so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Vận tải hành khách và hàng hóa giảm lần lượt 27,5% và 7,2%.
WB dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, việc làm ở các ngành chế tạo và chế biến chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 1,2 triệu việc làm bị ảnh hưởng trong quý 1. Tiếp theo là 1,1 triệu việc làm trong các ngành bán buôn và bán lẻ, 740.000 trong các ngành lưu trú và ăn uống.
Trong số lao động bị ảnh hưởng, 59% bị mất việc tạm thời, 28% phải làm việc theo ca, còn lại 13% bị mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động có độ tuổi từ 15 trở lên cũng cao hơn so với 5 năm gần đây. Có đến 18.600 công ty phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh trong quý I, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính đại dịch có thể ảnh hưởng đến từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động vào cuối quý 2.
Theo đánh giá, việc thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong tháng 4 đã để lại những hậu quả kinh tế nặng nề. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới.
“Trong bốn tháng đầu năm 2020, cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước. Điều đáng ngạc nhiên là giá trị vốn FDI cam kết quay đầu bật lại trong tháng 4, tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019”, WB nhận định.