Rau sạch, rau an toàn… vẫn ế
Anh Nguyễn Văn Thêm cho biết: “Thôn Đông Cao chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề trồng củ cải, nhà nào ít thì vài ba sào, nhà nào nhiều thì 3 - 4 mẫu. Ngoài ra các loại rau màu khác cũng trồng nhưng chỉ là phụ thôi, thế mà giờ rau không bán được, bao nhiêu công sức, vốn liếng bỏ ra giờ coi như mất trắng, không biết kêu ai.
Mỗi sào củ cải thu được khoảng 4-5 tấn, chi phí từ hạt giống cho đến phân bón mất gần 3 triệu đồng.
Vài tuần trước còn có thương lái đến tận vườn mua với giá rất rẻ 3.000-4.000 đồng/kg, nhưng cũng phải bán tống bán tháo, giờ còn 6 tấn ngoài vườn có bán giá 500 đồng/kg cũng chẳng ai mua nên đành vứt.
Không chỉ gia đình tôi mà các hộ khác trong thôn, mỗi hộ bỏ đi ít cũng phải 5-6 tấn, có hộ bỏ đi vài chục tấn. Khoai, sắn thì còn cho lợn, cho gà ăn được chứ củ cải thì có tận dụng được đâu. Ra bãi rau nhìn cải vứt trắng ruộng mà xót quá”.
Củ cải trồng quanh năm, chúng tôi đều mua giống củ cải của Hàn Quốc, 250g giá 450 nghìn đồng, là loại giống tốt. Với mùa này thì khoảng 50 ngày là thu hoạch. Củ cải da láng mịn và to, ăn rất thơm và ngon. Chúng tôi trồng rau đều theo quy trình chuẩn của Chi Cục bảo vệ thực vật TP Hà Nội, vì rau Đông Cao có thương hiệu là rau sạch, có nhãn mác đàng hoàng.
Giờ củ cải không bán được, cung thì quá nhiều mà cầu thì thiếu, dân chúng tôi lâm vào tình cảnh khốn đốn. Chúng tôi rất mong có được đầu ra để chúng tôi an tâm sản xuất”.
Củ cải vứt thành đống. Ảnh: Mai Chi
Chính quyền xã lo ngại
Được biết, xã Tráng Việt là đơn vị sản xuất rau sạch của huyện Mê Linh, hàng năm cung cấp một lượng rau sạch lớn cho TP Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Hải Dương…
Thế nhưng hiện tại tình hình rau củ của người dân sản xuất không bán ra thị trường được khiến hàng trăm hộ trồng rau thôn Đông Cao điêu đứng.
Ông Đàm Văn Thìn, Phó chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết: “Bãi rau thôn Đông Cao, trước đây là bãi bồi của sông, người dân cày cuốc trồng các loại hoa màu. Năm 2002-2006, chính quyền xã Tráng Việt đã quyết định hướng dẫn người dân trồng dâu nuôi nằm để nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, kế hoạch đó không thành công vì sau 4 năm đi vào sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 2007, HTX chuyển đổi cơ cấu mạnh dạn đầu tư và cải tạo trồng rau. Thuê máy móc về đào gốc dâu lên, xây dựng hệ thống cấp thoát nước đầy đủ để người dân đi vào sản xuất.
Từ năm 2008 - 2012, việc trồng rau mang lại nguồn thu nhập ổn cho người dân thôn Đông Cao. Năm 2010, rau Đông Cao được đưa vào sản xuất rau sạch, rau an toàn. Việc củ cải không có người mua, nhìn chung thì thời điểm này của các năm trước củ cải ở Đông Cao cũng rớt giá nhưng năm nay là rớt giá dài nhất, người dân thiệt hại lớn.
Chính quyền xã cũng đã về tận thôn kiểm tra, tìm cách mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho người dân”.
Nói về nguyên nhân vì sao, rau của người dân Đông Cao sản xuất đúng quy trình là rau sạch, rau an toàn nhưng vẫn bị ế và rớt giá như vậy, ông Thìn cho hay: “Do người dân sản xuất không có hoạch định, chỉ trồng một loại rau cụ thể như củ cải chứ không đa dạng hóa các mặt hàng.
Rau củ ở Đông Cao rớt giá thảm hại, củ cải từ 5.000 đồng/kg xuống còn 1.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua. Nhưng có ai biết rằng, để có được củ cải chất lượng tốt như vậy, người dân Đông Cao phải sản xuất theo đúng quy trình của Chi Cục bảo vệ thực vật TP Hà Nội. Từ khâu làm đất, chăm bón cho đến lúc thu hoạch đều có chuyên gia giám sát chặt chẽ.
Nước dùng để tưới rau đều có hệ thống nước sạch, nước giếng khoan có độ sâu 7m chứ không phải tưới nước sông, nước bẩn. Mọi quy trình đều chuẩn và có khoa học kỹ thuật cao. Củ cải Đông Cao khi dỡ ngoài ruộng về người dân phải rửa ngay thì củ cải mới trắng mọng được, còn lâu sẽ bị vàng.
Mấy hôm nay người dân kêu củ cải không bán được, chính quyền xã cũng rất lo lắng. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn kêu gọi người dân ổn định sản xuất, mặt khác phải chuyển đổi, đa dạng hóa các loại rau. Giá rẻ vẫn phải đảm bảo chất lượng, an toàn khi đưa ra thị trường.
Có vậy mới khẳng định được thương hiệu, chất lượng để người sử dụng nhận biết đúng loại rau, không nhầm lẫn với rau Trung Quốc. Khi đó mới bình ổn giá được”.
Anh Thọ, người trồng rau Đông Cao, chia sẻ: “90% dân Đông Cao trồng rau củ cải, cuộc sống đều nhờ vào rau. Rau của chúng tôi phải đảm bảo là rau an toàn mới cho ra thị trường. Qua các khâu sản xuất, thu hoạch rồi đến khâu đóng bao bì, tem mác đều được Chi Cục bảo vệ thực vật TP Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan của huyện Mê Linh hướng dẫn một cách khoa học, an toàn. Mỗi bãi rau đều có HTX quản lý chặt chẽ.
Đã thế rau củ Trung Quốc ồ ạt xâm chiếm thị trường khiến người trồng rau chúng tôi cũng lo lắng. Rau củ xấu, không bắt mắt thì không ai mua, đến lúc sản xuất khoa học, tiên tiến được rau củ đẹp, bắt mắt và chất lượng đảm bảo thì bị nghi là rau Trung Quốc.
Trung bình mỗi sào rau, thu nhập được 4,5 - 6 triệu đồng, vậy mà có nhà bỏ đi gần 1ha thì người dân lấy gì sống bây giờ. Chưa nói có nhiều gia đình còn đầu tư máy móc, ô tô để sử dụng vào việc sản xuất, vận chuyển rau, củ đi tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện, giúp đỡ để người dân Đông Cao ổn định sản xuất”..
Theo Mai Chi