Vượt bão dịch để khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Chị Trần Thị Xuân Quỳnh (đứng bên phải) chớp cơ hội khởi nghiệp ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát
Chị Trần Thị Xuân Quỳnh (đứng bên phải) chớp cơ hội khởi nghiệp ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát
TP - Dịch bệnh đã tạo cơ hội cho các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp (startup) thay đổi mô hình kinh doanh, đúc rút kinh nghiệm để tái phục hồi sản xuất.

Thế mạnh đặc sản quê hương

Mở cơ sở sản xuất trà quế túi lọc trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM), chị Trần Thị Xuân Quỳnh (quê Quảng Ngãi) đặt mục tiêu đưa thương hiệu Rừng xanh vươn xa.

Chia sẻ về quyết định khởi nghiệp ngay trong mùa dịch, chị Quỳnh bộc bạch: “Quảng Ngãi quê tôi nổi tiếng với quế Trà Bồng. Tuy nhiên các hộ dân trồng quế đa số đều bán thô, lợi ích kinh tế không bao nhiêu nên nhiều người chuyển nghề. Việc tạo ra sản phẩm mới từ quế có thể vực dậy nghề trồng quế của dân địa phương, tạo thêm sinh kế cho người dân. Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát, người ta quan tâm hơn đến việc tăng cường, bổ sung sức đề kháng. Do vậy tôi quyết định khởi nghiệp thời điểm này”.

Để cho ra đời những túi trà quế có đủ vị “thơm, cay, nồng, ngọt” là cả một quá trình thử nghiệm hơn nửa năm trời của chị Quỳnh. Sau những giờ làm, tối tối, vợ chồng chị Quỳnh bày “đồ nghề” để cà, giã quế; rồi pha, nếm… thêm bớt thành phần, nguyên liệu như cỏ ngọt, bách hợp… sao cho trà khi uống không gây cảm giác khó chịu. “Với sản phẩm có dược tính, tôi phải tham vấn các chuyên gia để cân chỉnh liều lượng nhằm phát huy được hết công dụng của chúng như tăng sức đề kháng, phòng bệnh. Tôi phải chọn loại túi lọc làm từ bắp để an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường” - chị Quỳnh chia sẻ.

Năm năm trước, anh Lê Minh Cương - Giám đốc và sáng lập dự án tương ớt cổ truyền Spico rời TPHCM về quê nhà Thanh Hóa hiện thực hóa ước mơ kinh doanh nông sản địa phương. Ở quê, anh Cương thấy nhiều người bỏ ruộng lên thành phố mưu sinh. “Một lần, tôi tận mắt chứng kiến bà con quê mình phải phá bỏ ruộng ớt vì phụ thuộc thương lái và thị trường xuất khẩu. Lúc đó, giá ớt rớt thê thảm, chỉ còn 3.000 đồng/kg dù chính vụ có lúc bán cả trăm ngàn đồng mỗi kg. Điều đó thôi thúc tôi tìm một phương cách gia tăng giá trị nông sản quê nhà. Thương hiệu tương ớt Spico ra đời từ đây” - anh Cương bộc bạch.

Theo anh Cương, tương ớt Spico đã có các dòng sản phẩm riêng với tương ớt vị Bắc, tương ớt vị Nam, tương ớt ít cay, tương ớt cay đặc biệt, tương chay và sản phẩm tương ớt cho trẻ em. “Sản phẩm non trẻ khó cạnh tranh với các tên tuổi truyền thống khi tiếp cận qua đại lý, cửa hàng. Do vậy tôi đẩy mạnh kênh bán trực tuyến. 70% doanh thu hiện đến từ kênh online” - anh Cương cho biết.

Trụ vững

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ không bị quật ngã bởi dịch mà còn linh động thay đổi để trở nên mạnh mẽ hơn. Trong thời gian giãn cách xã hội, Công ty TNHH XNK Thiên nhiên Việt (huyện Củ Chi, TPHCM; chuyên sản xuất bột rau thương hiệu Quảng Thanh) tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” để không đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công ăn việc làm cho lao động.

Theo chị Nguyễn Ngọc Hương- Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên nhiên Việt, công ty chuyển đổi từ bán hàng trực tiếp sang online, tập trung thị trường chủ yếu tại thành phố. DN còn bán hàng không lợi nhuận cho các đơn vị mua nhu yếu phẩm hỗ trợ cộng đồng; tham gia các chuyến xe cộng đồng hỗ trợ vận chuyển nông sản; gửi sản phẩm đến các lực lượng y tế, tuyến đầu chống dịch… Sản lượng sản xuất tăng gấp 4 lần ngay trong mùa dịch.

Mới đây, tại chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021), 5 startup, gồm: Cyber Apply Vietnam, EM&AI, MOVAN ISO, Monitor và MiSmart đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tuyển chọn để giới thiệu với các nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp. Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Ðổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến đang được coi là một trong các yếu tố then chốt nhằm tăng khả năng chống chịu của DN và phục hồi nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo là một trong các công nghệ cốt lõi đầy hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội chủ chốt của Việt Nam”.

Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Dừa nước Việt Nam - VietNipa (Cần Giờ, TPHCM) chia sẻ, trong thời điểm dịch COVID-19, công ty tập trung xây dựng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018; tối ưu hóa mô hình bán hàng đa kênh và hoàn thiện các quy trình chăm sóc khách hàng; tập trung nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm mới; tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng…

“Dịch COVID-19 ập đến, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động quảng cáo bán hàng. Sau khi chốt đơn xong, chúng tôi giải thích với khách hàng về tình hình hiện tại chưa giao hàng được và hẹn sẽ giao ngay khi dịch tạm lắng. Khách hàng hầu hết đều thông cảm. Vì vậy, khi hàng hóa được lưu thông trở lại, công ty đã giao được gần 80% đơn hàng đã hứa với khách. Cách này giúp tối ưu hóa mô hình kinh doanh, gia tăng lợi nhuận cho DN” - anh Tiến chia sẻ.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit nhìn nhận: “Các bạn trẻ khởi nghiệp đã rất bản lĩnh, thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch. Việc họ phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời “ủ mưu” chờ cơ hội phục hồi trở lại khiến tôi rất nể phục. Chính niềm lạc quan đã giúp các bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất”.

MỚI - NÓNG