“Vương quốc” vịt bầu

Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Đình Chín thu nhập hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi vịt bầu Phủ Quỳ
Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Đình Chín thu nhập hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi vịt bầu Phủ Quỳ
TP - Nằm tận cùng của tuyến QL48, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An được ví như “vương quốc” vịt bầu của miền tây xứ Nghệ. Vịt bầu Quế Phong không những được Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá là có thịt ngon nhất hiện nay mà còn được xem như đặc sản quý.

Vịt bầu - giống vịt đặc sản quý chỉ có ở các huyện miền tây của Nghệ An, đặc biệt là vùng đất Phủ Quỳ (bao gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn). Loài vịt này có cơ thể hình chữ nhật, cổ rất ngắn, khi đứng thì cơ thể gần như song song với mặt đất.

Ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Vịt bầu vùng Phủ Quỳ có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, nhất là gió Lào.

Tuy nhiên, đặc điểm mà người ta nhớ đến loài vịt bầu này nhất đó là chất lượng thịt thơm ngon, ngọt. Các nhà nghiên cứu của Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá đây là giống vịt ngon nhất Việt Nam hiện nay.

“Trong đề án phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi đang vận động người dân đưa giống vịt này trở thành hàng hóa. Đây là hướng đi bền vững để nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân của xã. Hiện xã có 2 lò ấp trứng, với tổng đàn lên tới 12.000 con”

Ông Lữ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn

Ông Vi Văn Định, nông dân xã Quang Phong cho hay, giống vịt bầu này được truyền đời này qua đời khác của bà con dân tộc Thái sống tại 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn (thuộc huyện miền núi Quế Phong). “Từ khi chúng tôi sinh ra thì đã có giống vịt này.

Xưa nay mỗi gia đình ở miền quê này chỉ nuôi khoảng 10 đến 15 con trong nhà để làm thực phẩm. Mỗi khi có khách quý tới thăm nhà thế nào cũng làm thịt vài con để đãi khách”, ông Định cho biết.

Ông Lang Văn Sâm, người dân ở bản Ca (xã Quang Phong) được xem là “trùm” nuôi vịt bầu. Ông Sâm cho biết, từ nhiều đời nay, gia đình ông đã gắn bó với giống vịt này. Trong nhà lúc nào cũng có hàng chục, có khi hàng trăm con vịt bầu.

Theo ông Sâm hiện tổng đàn vịt bầu của xã có khoảng trên 5.000 con. Giá bán 120-150 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, muốn mua được vịt bầu “xịn” không phải dễ, có khi cần đi lùng khắp bản làng mà chẳng có ai chịu bán, vì hầu hết bà con nuôi để phục vụ gia đình là chủ yếu.

Gặp “vua” vịt Bầu

Lên miền tây xứ Nghệ, nhắc đến việc nuôi vịt bầu không ít người nhắc đến ông Thái Diệu. Ông Diệu được bản làng xem như “cứu tinh” giống vịt quý này trước nguy cơ bị xóa sổ. Được biết, ông Diệu vốn là một trong những người nuôi vịt giỏi ở vùng quê lúa Yên Thành.

Một lần ông đưa vợ con về thăm quê ngoại ở Quế Phong, biết giống vịt bầu Phủ Quỳ rất ngon, ông nảy ra ý tưởng tìm cách khôi phục lại đàn vịt và nhằm bảo vệ, giữ gìn giống vịt này cho địa phương. Khoảng năm 1993, ông quyết định đưa vợ lên bản Đan, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong lập nghiệp với nghề nuôi vịt.

Ban đầu 2 vợ chồng ông lặn lội đến từng thôn bản, sang tận nước Lào thu mua gom trứng về ấp. Hai năm sau, ông đã có được gần 200 con vịt thuần chủng. Đây là lứa vịt đầu tiên ông Diệu gây dựng được. Cùng lúc đó, UBND huyện Quế Phong có chủ trương khôi phục lại giống vịt bầu Phủ Quỳ.

Năm 2011, được sự giúp đỡ của hợp phần chăn nuôi, dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Nghệ An, doanh nghiệp Diệu Châu hình thành “Liên minh sản xuất và tiêu thụ vịt bầu Phủ Quỳ giữa doanh nghiệp và HTX chăn nuôi xã Tiền Phong - Quế Phong”, với sự tham gia của 100 hộ, quy mô 200 con giống/lứa/hộ, mỗi năm cho ra lò ấp 2 lứa.

Anh Nguyễn Đình Chín (một người dân xóm 2, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong) là một trong 100 hộ được hưởng lợi từ dự án này tâm sự: Lúc đầu gia đình anh được hỗ trợ 100 con vịt giống và thức ăn. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, anh bán lứa vịt đầu tiên và thu về gần 20 triệu đồng. Số tiền này, anh tiếp tục đầu tư để tái đàn. Đến nay, tổng đàn của gia đình lên tới 2.000 con vịt đẻ và thu nhập bình quân một tháng của gia đình hơn 100 triệu đồng.

Được biết, sau khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Phủ Quỳ thuần chủng, chất lượng cao; mỗi tháng ông Diệu xuất được khoảng 24.000 con vịt giống thuần chủng.

Ông Diệu tâm sự, lò ấp trứng của ông hoạt động suốt ngày đêm nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu bà con nông dân. Ông Thái Diệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sở hữu thương hiệu vịt bầu Phủ Quỳ. Hiện, giống vịt này đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Nghệ An mà còn lan ra toàn quốc.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.