Ngày 3/8, ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, 7 cá thể hổ Đông Dương cứu hộ từ Pù Mát về cách đây hơn 1 năm đã trưởng thành, nên phải chuyển sang khu nuôi nhốt mới.
Sau khi gây mê, các cá thể hổ được di chuyển đến phòng thu y để thăm khám và lẫy mẫu xét nghiệm |
Để di chuyển 7 cá thể hổ đã trưởng thành này, các chuyên gia đã gây mê, sau đó vận chuyển chúng từ chuồng nuôi cũ lên phòng thú y, kiểm tra sức khỏe, tiêm vắc xin, chụp X quang, siêu âm, lấy mẫu máu, nước tiểu và các mẫu khác (gửi Medlatec để phân tích).
Theo ông Đinh Huy Trí, nhằm đảm bảo di dời hổ về khu chuồng nuôi mới an toàn, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Viet), Tổ chức động vật châu Á (AAF) xây dựng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và thành lập các nhóm chuyên môn trong suốt quá trình thực hiện.
Các chuyên gia đang thăm khám các cá thể hổ |
Mỗi cá thể hổ được gây mê bằng ống thổi kim tiêm chuyên dụng, các chuyên gia tiếp cận gần khu vực chuồng nuôi thông qua tấm chắn, sau đó dụ chúng mất tập trung và thổi tiêu chứa thuốc mê vào.
Khu nuôi nhốt mới khá rộng, mỗi chuồng nuôi có diện tích 30m2. Thời gian tới đây, khi các cá thể hổ quen với khu chuồng nuôi mới, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ vây một khu vực rộng gần 3.500m2 để nuôi chúng trong môi trường bán tự nhiên.
Được biết, mỗi ngày, tiền ăn của mỗi cá thể hồ hết 2,6 triệu đồng, gồm các món như: thịt bò, gà, thỏ… Số tiền nuôi hổ, một phần được cấp từ ngân sách tỉnh Quảng Bình, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và xã hội hoá.
Những cá thể hổ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được xem là đã trưởng thành, đều nặng trên 100kg |
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có tổng diện tích 13.240m2 với nhiều hạng mục. Trong đó, khu chăm sóc, nuôi dưỡng động vật (loài hổ) có diện tích 3.488m2.
Sau khi đề án hoàn thành, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình tái thả hổ trong môi trường bán hoang dã.
Hổ Đông Dương (tên khoa học Panthera tigris corbetti) sống chủ yếu trong môi trường hoang dã ở bán đảo Đông, nhưng hiện chỉ còn ở Myanmar, Thái Lan. Hổ Đông Dương không còn được ghi nhận tồn tại trong môi trường hoang dã ở Việt Nam kể từ năm 1997. Hổ Đông Dương trưởng thành dài khoảng 2,30m-2,55m, cân nặng từ 100kg-130kg.