Giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh đón nhận danh hiệu Danh lục xanh |
Ngày 21/6, VQG Cát Tiên đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận đạt danh hiệu Danh lục xanh.
Đây là bộ chỉ số đo lường sự thành công trong công tác bảo tồn, được khởi động tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới IUCN 2016. Để đạt Danh lục xanh, các khu bảo tồn phải đạt 17 tiêu chí với 50 chỉ số.
VQG Cát Tiên đã đăng ký Danh lục xanh vào tháng 9/2018, hồ sơ bắt đầu được xây dựng từ tháng 1/2022.
Quá trình chứng nhận Danh lục xanh gồm 3 giai đoạn, bao gồm đăng ký, ứng viên và chứng nhận. Các giai đoạn này được đánh giá bởi chuyên gia độc lập. Tại Việt Nam, nhóm chuyên gia được IUCN quốc tế phê duyệt bao gồm 11 thành viên trong và ngoài nước.
Ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN khu vực hạ lưu sông Mekong nhận định, đạt được chứng nhận Danh lục xanh không chỉ là theo đuổi một danh hiệu mà thể hiện sự cam kết lâu dài và kiên trì. Việc thu thập bằng chứng chứng minh sự tuân thủ 17 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn rất phức tạp.
Như vậy, đến nay hai trong ba danh hiệu Danh lục xanh ở Đông Nam Á thuộc về Việt Nam. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao tiêu chuẩn quản lý các khu bảo tồn.
Trước đó, năm 2019, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận Danh lục xanh.
“Cát Tiên là VQG đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu Danh lục xanh của IUCN. Sự công nhận này thể hiện cam kết của chúng tôi trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam”, ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên chia sẻ.
Bò tót ở VQG Cát Tiên |
Cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á tham gia Danh lục xanh. Việc VQG Cát Tiên đạt danh hiệu này đã đánh dấu một bước ngoặt cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Cá sấu xiêm ở VQG Cát Tiên |
VQG Cát Tiên thành lập vào năm 1978 với diện tích hơn 82.000 ha. Vườn có 1.729 loài động vật thuộc 238 họ, hơn 1.600 loài thực vật thuộc 710 họ; trong đó có một số loài quý hiếm như voi châu Á, bò tót, cá sấu xiêm, chà vá chân đen, tê tê Java…