Chiều 24/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã họp với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác chuẩn bị ứng phó bão số 9 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo về công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 9 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến thời điểm 13 giờ ngày 24/11, tổng số tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ là 4.841 tàu với 24.549 ngư dân; 4.668 tàu với 23.232 ngư dân đang neo đậu tại bến; 173 tàu với 1.317 ngư dân của tỉnh đang neo đậu tại tỉnh khác.
Về kế hoạch sơ tán người dân đảm bảo an toàn, hiện đã có 97.232 người/ 21.451 hộ dân trong tỉnh dự kiến phải sơ tán, di dời khi bão ảnh hưởng. Riêng huyện Côn Đảo, số nhân khẩu phải sơ tán là 11.734 người. Đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, hiện nay tại các nơi xung yếu, nguy hiểm, các địa phương đang tiến hành sơ tán dân, chủ yếu là người già, trẻ em, người khuyết tật với tổng số người là 9.833. Tất cả các địa phương đều đã chuẩn bị đủ số lượng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết theo các phương án sơ tán của địa phương đã ban hành.
Là một địa phương phát triển về du lịch, tới thời điểm 10 giờ sáng nay, tổng số khách du lịch đang lưu trú trên địa bàn tỉnh khoảng 1.500 người (trong đó có trên 100 khách nước ngoài), riêng huyện Côn Đảo có khoảng 700 khách lưu trú.
Sau khi thị sát và nghe báo cáo tình hình ứng phó bão tại một số địa phương trong tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Bộ trưởng, sau khi theo dõi các thông báo của Đài khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam và các nước bạn, có thể nhìn nhận rõ ràng đây là cơn bão không quá lớn nhưng khá nguy hiểm. Vị trí bão đổ bộ vào là các tỉnh Nam Trung Bộ, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… vốn là các địa phương ít xuất hiện bão nên ít nhiều gây tâm lý chủ quan. Nếu công tác chống bão không tốt, cộng với sự mất cảnh giác, chúng ta sẽ phải gánh hậu quả nặng nề do bão.
“Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi có công nghiệp phát triển, do đó, cần phải tránh đi vào tình trạng của tỉnh Khánh Hòa khi đón cơn bão năm 2012 khiến nhiều khu công nghiệp hư hại. Khách nước ngoài tại Vũng Tàu rất đông, phải làm sao để bảo đảm an toàn cho họ. Hơn nữa, đây là nơi mà đô thị phát triển, ven biển vùng xung yếu gắn liền với dân cư, thủy sản kể cả nuôi trồng hay khai thác, tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi bão đổ bộ vào. Đề nghị các ngành các cấp trên địa bàn tỉnh phải triển khai đồng bộ hơn nữa, chuẩn bị ứng phó với bão bằng một kịch bản với nguy cơ rủi ro cao nhất. Cẩn thận bao nhiêu cũng thiếu, chủ quan một xíu cũng thừa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Do tính chất nguy hiểm của cơn bão số 9, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo địa phương cần rốt ráo huy động mọi nguồn lực, triển khai hoàn tất việc di dời triệt để dân ở các khu vực xung yếu. Ông Cường yêu cầu không để tình trạng các lao động trẻ, khỏe, chủ quan ở nhà trông coi đồ đạc mà không đi tránh bão; sắp xếp tàu thuyền neo đậu hạn chế rủi ro, va đập, phải làm sao trước tối nay không còn ngư dân nào ở lại tàu thuyền; kiểm tra các nơi lồng bè nuôi cá, tổng hợp cụ thể, nắm rõ thông tin về số lao động, nhân khẩu, quê quán…; thông báo đến khách du lịch về nguy cơ của bão, thậm chí nếu cần có thể đến từng khách sạn để quán triệt.