Vùng lũ trước khai giảng: Giáo viên đến nhà đưa học sinh tới trường

Trường Tiểu học và THCS Thị trấn Mù Cang Chải tan hoang sau lũ. Ảnh: Nghiêm Huê.
Trường Tiểu học và THCS Thị trấn Mù Cang Chải tan hoang sau lũ. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Năm học mới 2017-2018 sắp bắt đầu, trong lúc ngành giáo dục của hai huyện miền núi phía Bắc Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái) chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề của lũ quét lịch sử. Các trường học bị ảnh hưởng của hai huyện  đang gồng mình khắc phục hậu quả để bước vào năm học mới.

Cô Hà Thị Nhàn, hiệu trưởng trường mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, cho biết trận lũ ngày 3/8 vừa  qua đã xóa sổ điểm trường Tà Ghênh của xã. Theo cô Nhàn, trường mầm non Lao Chải có 9 điểm trường với 730 học sinh. Trong số đó có 6 điểm trường bị ảnh hưởng của trận lũ vừa qua. Ngoài điểm trường Tà Ghênh bị xóa sổ, các điểm trường khác bị hư hỏng nhẹ như bàn ghế, đường điện... Các hư hại về cơ sở vật chất cơ bản đã được khắc phục. Tuy nhiên, khó khăn nhất bây giờ đó là đường giao thông đang bị lở, hỏng rất nhiều. Học sinh mầm non của Lao Chải chủ yếu tự đến trường nên  rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc huy động học sinh đến lớp.

“Với điểm trường Tà Ghênh, trường khắc phục bằng cách đưa các cháu ra học tại điểm trường chính. Cháu gần nhất phải đi 3km, cháu xa nhất là 7km. Các cháu lớn thì theo anh chị lớn tiểu học, THCS ra học, còn các cháu bé thì trường nhờ bố mẹ đưa, nhờ trưởng bản giúp hoặc các cô giáo vào từng nhà dân chở học sinh ra lớp” - Cô Nhàn chia sẻ. Điều may mắn, tuy là trường mầm non nhưng trường có cả các thầy giáo, nên hỗ trợ được rất nhiều trong việc đón học sinh đến lớp.  Cô Nhàn cho biết, việc đến tận nhà dân đưa trẻ đến lớp đối với giáo viên của Lao Chải là chuyện thường ngày. Riêng năm nay, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ nên số lượng học sinh cần đưa đón nhiều hơn trước.

Còn tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, bà Trần Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nặm Păm, xã Nặm Păm, cho biết, trận lũ đêm 3/8 toàn bộ cơ sở vật chất của trường bị cuốn trôi hoàn toàn, thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ đồng. Gồm 4 điểm trường, 23 phòng học, một kho gạo dự trữ hơn 6 tấn gạo cho năm học mới cũng không còn hạt nào cho học sinh bán trú, một bếp ăn, một nhà ăn, một phòng bảo vệ... Khó khăn lớn nhất hiện nay là trang thiết bị, đồ dùng dạy học không có gì. Trận lũ kinh hoàng đã phá hủy hoàn toàn đường giao thông, nên cô Thúy cũng không biết học sinh đến trường thế nào. Giáo viên phải tỏa đến các bản mở các lớp tạm để giảng dạy học sinh.

“Trường được chuyển về học chung với THCS, học hai ca, các em ở các điểm lẻ thì học tại các bản để giảm khó khăn đi lại. Việc đến lớp của thầy cô cũng rất khó khăn. Các thầy cô chủ yếu đi bộ đến các điểm trường để giảng dạy cho học sinh” - cô Trần Thị Thúy chia sẻ. Mong muốn của cô cũng như tập thể giáo viên trong trường sớm có trường mới để đưa toàn bộ học sinh về học bán trú tại trường.

Theo thống kê, huyện Mường La có 1 trường tiểu học bị lũ cuốn trôi hoàn toàn và 1 trường Mầm non, 2 điểm trường tiểu học bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước những thiệt hại này, huyện Mường La đã lên phương án học ghép chia ca trường tiểu học sẽ học chung với trường THCS, cử giáo viên đến các điểm bản đang được dựng tạm lán để học sinh nhà xa đi lại khó khăn vẫn được đi học, phấn đấu cuối tháng 8 tất cả các em học sinh đều được tựu trường. Các thiết bị dạy học, sách vở, bàn ghế, đồ dùng học tập huy động tối đa sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.

MỚI - NÓNG