Vùng đất tiên cảnh giữa đại ngàn xanh

Những ngôi nhà sàn nằm ẩn mình giữa màu xanh cây cối
Những ngôi nhà sàn nằm ẩn mình giữa màu xanh cây cối
Huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk hoang sơ mộc mạc, tạo cảm giác thân quen và gần gũi, nơi đây có dòng thác gắn liền với huyền thoại lịch sử thấm đẫm tình người của đồng bào dân tộc Ê Đê. Vùng đất đỏ ba dan này còn hiện hữu nét văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc Tày, Nùng di cư vào lập nghiệp.

Homestay của người Nùng An

Từ trung tâm xã Ea Tam (huyện Krông Năng), men theo đường dốc thoai thoải, băng qua cánh rừng cao su mùa thay lá, vườn cà phê xanh bạt ngàn. Làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền, xã Ea Tam) nằm gọn trong một thung lũng dựa lưng vào sườn núi. Nơi đây mang lại cảm giác riêng nhờ sự cổ kính và yên bình từ những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Nùng An.

Điều làm nên nét đẹp nguyên sơ, thơ mộng cho những ngôi nhà ấy chính là màu nâu vàng của ván gỗ ẩn mình giữa màu xanh cây cối xen lẫn mái ngói đỏ nâu. Đi sâu vào làng, cảm nhận một nét bình dị, mộc mạc, hoang sơ với những mảng màu xanh mướt mà thiên nhiên ưu ái. Tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp ngỡ ngàng. 

Vùng đất tiên cảnh giữa đại ngàn xanh ảnh 1

Nhiều ngôi nhà sàn của làng Quảng Hòa được làm gần cách đây 30 năm

Anh Hoàng Đình Tân, bí thư Chi bộ thôn Tam Điền cho biết: Làng Quảng Hòa 100% là người dân tộc Nùng An. Dù di cư đến vùng đất mới lập nghiệp, họ vẫn giữ bản sắc văn hóa của cả tộc người. Nhà sàn như báu vật vô giá của người Nùng An trên Tây Nguyên.

Làng Quảng Hòa càng thú vị hơn qua câu chuyện rầm rì của ông Nông Văn Thòn (SN 1957) bên bếp lửa, trong vô vàn những mảnh ghép từ câu chuyện không đầu không cuối ấy, là tấm lòng người Nùng An hồn hậu, chân tình. Rằng hầu hết ngôi nhà ở đây đều in dấu bàn tay cả làng, đó như động lực giúp nhau vượt gian khó, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, ngôi nhà sàn giản dị mộc mạc đã trở thành nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần của người Nùng An.

Làng Quảng Hòa có 57 hộ thì có chừng ấy nóc nhà sàn quây quần với nhau tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo. Giữa không gian thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng, làng Quảng Hòa mang một vẻ đẹp hoang sơ với không khí mát lạnh khiến nơi đây dễ dàng trở thành một chốn nghỉ dưỡng.

Anh Tân tâm sự: Làng Quảng Hòa vào đây từ năm 1987, nơi đây được coi là quê hương thứ hai của họ. Với bản tính cần cù chịu khó họ đã biến vùng đất này thành mảng xanh ngút ngàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con trong làng mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu từ cà phê và lúa, cao su…. Điều kiện kinh tế đủ sức xây nhà bê tông nhưng 30 năm qua họ vẫn sống dưới mái nhà sàn truyền thống đó. 

Vùng đất tiên cảnh giữa đại ngàn xanh ảnh 2

Những ngôi nhà sàn kiểu homestay của người Nùng An

    Mỗi khi có khách từ xa đến chơi, anh Tân đều vui vẻ làm một hướng dẫn viên để giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống của bà con nơi đây, ngoài những tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng như thác Sơn Long tuyệt đẹp trong rừng sâu… còn được trải nghiệm lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc phía Bắc, được thưởng thức món ăn độc đáo với nhiều loại gia vị mới lạ mà chỉ nơi đây mới có.

    Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ea Tam có 16 dân tộc sinh sống, trong đó người Tày, Nùng chiếm gần 90%. Họ vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống như một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đây được xem là không gian văn hóa đặc sắc để địa phương phát triển du lịch làng bản, bên cạnh lễ hội dân gian Việt Bắc, rượu men lá đặc trưng của người Tày ở Ea Tam.

    Tháng 10/2018, đoàn khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát một số tuyến điểm du lịch tiềm năng tại huyện Krông Năng. Tại xã Ea Tam đoàn tiến hành khảo sát tiềm năng du lịch văn hóa Homestay tại làng Quảng Hòa, ngôi làng mang nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng được xây dựng hơn 30 năm trước. Khảo sát thác Sơn Long, cảnh quan, thác nước, không gian rừng nguyên sinh thích hợp cho du lịch khám phá, trải nghiệm.

    Huyền thoại suối tóc tiên nữ

    Lọt thỏm giữa rừng sâu, ở địa bàn xã Ea Púk (huyện Krông Năng) dòng chảy thác thủy tiên không ầm ào dữ dội mà hiền hòa êm đềm với nhiều tầng nước đổ. Quần thể thác có tổng diện tích 30 ha, trải dài trên 1km, rộng 40 mét, có 3 tầng. Tầng thứ nhất độ dốc nhỏ với bậc lên xuống dễ dàng, tầng thứ hai trải rộng với nhiều bậc đá, không sâu, mặt nước trong xanh, tầng thứ ba đá dựng đứng nước trên cao ồ ạt đổ xuống mặt hồ sâu rộng. Từ phía xa thác Thủy tiên êm đềm dịu dàng như suối tóc của thiếu nữ Ê Đê. Đến đây giống như vừa lạc vào một không gian khác, những bộn bề, lo toan cuộc sống tan biến thay vào đó cảm giác thư thái yên bình.

    Vùng đất tiên cảnh giữa đại ngàn xanh ảnh 3 Thác Thủy Tiên êm đềm với nhiều tầng nước đổ
    Vùng đất tiên cảnh giữa đại ngàn xanh ảnh 4 Làng Quảng Hòa bạt ngàn cà phê, núi non trùng điệp
    Vùng đất tiên cảnh giữa đại ngàn xanh ảnh 5 Thác thủy tiên gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết nhân văn
    Vùng đất tiên cảnh giữa đại ngàn xanh ảnh 6 Thác thủy tiên lọt thỏm giữa rừng sâu

    Ở mảnh đất Tây Nguyên, mỗi dòng suối, sông hay thác nước bao giờ cũng gắn với một huyền thoại, truyền thuyết. Giữa đại ngàn xanh thẳm, tiếng thác Thủy Tiên vang vọng khắp núi rừng, tiếng cây rừng thì thầm qua kẽ lá. Tất cả như đang kể lại huyền thoại xa xưa ấy, hoang sơ mà đẫm ân tình. Chuyện xưa kể rằng, ở vùng đất này có một lần Giàng vô cớ dận dữ, nắng mãi khiến hồ cạn, dần làng chết dần vì đói khát. Chồng nàng H’Năng cùng trai tráng trong buôn đi tìm vùng đất mới. Rồi nhiều mùa trăng, không ai trở về. Thương nhớ chồng và xót xa cho dân làng, nàng lên đường đi tìm. Nàng đi mãi, cuối cùng kiệt sức ngã khuỵu giữa một lòng suối cạn. Giàng xót thương, cho mưa nước ngập tràn các dòng sông con suối. Tóc nàng trải dài theo con suối nhỏ và trở thành ngọn thác dịu dàng như tấm lòng người con gái Ê Đê hiền dịu, thủy chung với cái tên thác thủy tiên ngày nay.

    Thác thủy tiên còn được gắn với nhiều huyền thoại, truyền thuyết khác đầy tính nhân văn như: huyền thoại về anh em nhà Đăm Di và những chứng tích lịch sử của các buôn làng đồng bào Ê Đê. Thác không những có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, khai thác du lịch mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, giáo dục truyền thống...

    Ngày 3/9/209 thác Thủy Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia.

MỚI - NÓNG