Cơ hội không phải của chúa
Ghé vài tọa đàm trong hội “Sách và di sản” (Hoàng Thành Thăng Long 29/9 đến 5/10), thấy cơ hội, cơ may của người viết hôm nay không hề mong manh như đã tưởng.
Một là tọa đàm Khi người đàn ông yêu của một công ty sách nhân dịp đơn vị này tung tập 4 mang tên Grey tiếp theo bộ ba tập 50 sắc thái của Grey. Một trong ba diễn giả bạo mồm- thạc sĩ tình dục học Đinh Thái Sơn cho biết, như thầy thuốc nhìn đâu cũng thấy bệnh nhân và vi trùng, anh nhìn đâu cũng chỉ thấy tình dục! Và thông tin: “Hàng triệu cặp vợ chồng (nước ngoài?) đã hàn gắn sau khi đọc bộ 50 sắc thái bởi đọc xong, đàn ông ngẫm lại mình đã biết cư xử chưa, đàn bà tự hỏi mình có giữ kẽ quá không”.
Hình ảnh tại tọa đàm “Người Việt viết cho người Việt”.
Nhà văn Y Ban so sánh rồi than vãn “Người ta viết những 50 sắc thái thì không sao, còn tôi mới viết có 2 sắc thái thôi đã bị đánh bầm giập (cuốn I am đàn bà), sao bạn đọc nỡ đối xử với tôi như thế”.
50 sắc thái ăn đủ khi nó chính là dâm thư nhưng lại được xuất bản công khai thậm chí công kênh. Ai đã đọc cuốn này sẽ thấy kiến văn, kiến thức xã hội đầy hạn chế của tác giả. Tình dục- bản thân nó không phải quá phong phú để mà viết mãi không hết chuyện, và người viết dù trải đời, giàu tưởng tượng đến mấy cũng dễ vào lối mòn nếu không giỏi mổ xẻ tâm lý.
Qua cách mà một số độc giả hỏi, trao đổi về tình yêu tình dục trong tọa đàm- hầu như chỉ mới “thoát mù” là chính, kể cả tâm tình có vẻ chân thật của một hai diễn giả, thấy rằng mảng tình yêu tình dục vẫn là khoảng trống ít ai lấp được trong văn học Việt Nam. Đó chẳng phải cơ hội của người viết là gì? Không phải là khuyến khích xu hướng dâm thư như 50 sắc thái bởi loại sách này không bao giờ là văn học, nhưng hóa ra rất đông người đọc đang chờ được nhà văn khai sáng, về tình yêu tình dục và hơn thế nữa.
Lang thang Hoàng Thành cuối thu, thoạt đầu thấy lạ về tiếng loa oang oang phát từ tọa đàm “Người Việt viết cho người Việt”. Nghe kỹ thì thấy dù người tổ chức PR có hơi trắng trợn nhưng xem ra lại cần thiết. Bởi nó cung cấp những thông tin đem lại hứng khởi cho ai chưa từng và nay muốn có xuất bản phẩm.
Tại cuộc này, diễn giả Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc mới của Alpha Books cho biết sắp tới đơn vị của anh- nổi lên mấy năm gần đây, có hẳn chiến dịch mở rộng hợp tác với tác giả trong nước, tư vấn góp ý xây dựng đề cương, hỗ trợ truyền thông ở mức cao nhất và đảm bảo tác quyền cũng như nhuận bút hợp lý, chưa kể còn lập giải thưởng để thu hút bản thảo.
Những thông tin khác của anh Quỳnh và câu chuyện của hai diễn giả còn lại có sức khơi dậy khát vọng của một số cử tọa có vẻ nhấp nhổm muốn được ở địa vị những người đang ngồi ghế chủ tọa - đều có sách được in dù xuất thân không hẳn là dân cầm bút. Khánh Dương, một trong hai tác giả bộ truyện tranh “hot” gần đây là Long thần tướng, kể câu chuyện thú vị về một tác giả truyện tranh trẻ tuổi mới nổi:
Đức, thủ khoa Đại học Kiến trúc vào trường học được 2 tháng thì bỏ, do mê vẽ truyện tranh hơn. Gia đình dọa “từ”. Từ Lạng Sơn xuống Hà Nội, Đức ngày đi bán kem ở Indochina Plaza, tối vẽ tranh cất vào tủ. Đến lúc Khánh Dương- người sáng lập công ty Comicola chuyên sản xuất truyện tranh nhận dự án tôn vinh nhóm máu O nói về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Đức được mời và truyện tranh Nhóm máu O ra đời, được dân mạng xưng tụng “Chưa từng có bộ truyện tranh nào mà hình ảnh và nội dung xuất sắc như vậy, không thua truyện tranh Nhật Bản”.
Như vậy, chỉ sợ không có hàng chất lượng cao chứ một khi đã có thì độc giả tranh nhau mua, còn nhà phát hành không tiếc công quảng bá. Nhìn vào chồng sách của Tony Buổi Sáng rải khắp các quầy, các đơn vị phát hành thì biết. NXB Trẻ cho biết Trên đường băng của “hot facebooker” giấu mặt này đã bán được hàng chục vạn bản chỉ sau một tháng. Mà chỉ tập hợp các bài viết trên facebook thôi đấy, nào phải giòn tan nóng hổi gì.
Cơ hội của người đọc
Một tuần mở hội, Hoàng Thành ít khi vắng vẻ. Xe máy gửi trong thành đúng qui định 5.000 đồng hết chỗ, mọi người gửi ngoài đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ 10.000 đồng, cũng chật cứng. Đến kem, xúc xích cũng bán chạy. Cả nhà đều vui.
Bạn đọc đến một hội sách bây giờ tha hồ khiêng về thượng vàng hạ cám. Từ dâm thư như Grey đến Cuộc đời yêu dấu- tập truyện ngắn mới nhất của Nobel 2013 Alice Munro. Từ hồi ký của chính trị gia, tiểu sử công nghệ gia như Steve Jobs cho đến hồi ký của cô đào Brigitte Bardot, dày hự, tựa Gọi tắt là B.B in hơn chục năm trước, giá 60.000 đồng.
Tại một quầy sách cũ, tôi nhặt được cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc, giá 50.000 đồng. Người đàn ông bán hàng gần 40 tuổi mủm mỉm “Chị tinh đấy nhưng có vài cuốn Phan Ngọc nữa cơ không thấy à. Nếu cần thì nhà em còn vài cuốn Phan Ngọc nữa”. Hỏi tên nhà sách, anh ta đáp: Sách để ở nhà riêng ngõ 130 Thụy Khuê, chưa kinh doanh lớn nên chưa có thương hiệu riêng.
Sách cũ bao giờ chả hấp dẫn. Thương hiệu sách cũ “Vì dân” chiếm diện tích lớn hơn cả, giá chát. “Sách cũ Hà Thành” oách nhất, những cuốn nổi tiếng của thập kỷ 70-80 đủ hết. Kể cả Chân dung một quản đốc của Nguyễn Hiểu Trường (Trần Bạch Đằng), giấy cũ màu nâu xỉn khó mà đọc nổi. Ngổn ngang là sách, là người cắm cúi moi hết cuốn này cuốn khác nhưng chả thấy ai đứng canh như ở các hiệu sách mậu dịch. Có lẽ người ta cho rằng kẻ đã vào hàng sách cũ mò mẫm thì đáng tin cậy hơn “người thường”?
Một tháng ba hội sách lớn: Sau Hội sách Quốc tế Hà Nội ở công viên Thống Nhất là Sách và Di sản, cuối tháng 10 thì Hội sách Mùa thu ở Bảo tàng Phụ nữ. Ngay người làm sách cũng hoang mang khó đạt kỳ vọng doanh thu và giữ lửa nhiệt tình của bạn đọc. Nói về doanh thu, biên tập viên NXB Trẻ giải thích lý do chỉ giảm 20%, ít hơn hẳn các nhà xuất bản khác, rằng giảm nhiều sẽ vi phạm chính sách với các đại lý. Tuy nhiên, muốn sách đến đông đảo người đọc, ngoài địa điểm rộng thoáng để mở hội, không còn cách nào khác giá sách phải hạ. Hàng bấc thì qua hàng quà thì tới nhưng giá một cuốn từ điển chỉ 30.000 đồng, Nhà giả kim, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Tuyển tập truyện ngắn Maugham, Truyện ngắn Turgenev, Truyện ngắn kinh dị Stephen King... đều 20.000 đồng, các loại Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam 10.000 đồng/cuốn thì bạn đọc chắc cho phép mình xông xênh hẳn lên ấy chứ.
Thông tin tại tọa đàm “Người Việt viết cho người Việt”: Có giai đoạn sách dịch chiếm 90% ấn bản tại Việt Nam - là sự cá biệt so với các nước phát triển. Hiện tỉ lệ sách dịch tại Anh là 2,5%, Mỹ 3%, Pháp 15%. Việt Nam không có thống kê chính thức nhưng theo khảo sát của nhà tổ chức tọa đàm thì sách trong nước hiện chiếm 25%, khá hơn trước nhưng vẫn ít. Vậy mới có tọa đàm trên, để hô hào người Việt dùng và làm hàng Việt- khoan nói chất lượng mà mới chỉ đề cập số lượng.