Vựa lúa Việt đang bị đe dọa

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, đang phải đối mặt nhiều thách thức lớn về môi trường và an ninh lương thực. Ảnh: TGTT.
Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, đang phải đối mặt nhiều thách thức lớn về môi trường và an ninh lương thực. Ảnh: TGTT.
TP - Giáo sư James Borton, công tác tại ĐH Carolina Duyên hải (Mỹ), Viện Mỹ-Á…, mới đây gửi cho Tiền Phong bài viết về chuyến đi thực tế của ông tới Đồng bằng sông Cửu Long. Dưới đây là bản lược dịch bài viết của vị học giả Mỹ.

Những chiếc xe tải chất đầy hàng chạy trên quốc lộ đi qua Cần Thơ - thành phố lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, ngang qua các khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi đang thu hút nhiều nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Bên kia con đường là rừng cây rậm rạp, là rừng đước xanh um.

Nhiều thế hệ nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang dựa vào hàng ngàn nhánh sông ở hạ nguồn sông Mekong để trồng lúa, nhưng hiện giờ, mưa nắng thất thường, hạn hán, ngập lụt đan xen khó lường cộng với mức ô nhiễm tăng cao khiến cuộc sống nơi đây đang bị thay đổi dữ dội. Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất một nửa lượng lúa gạo của Việt Nam, nhưng giờ phải đối mặt các thách thức môi trường ngày càng tăng.

Các đập mà Trung Quốc xây ở thượng nguồn là thủ phạm chính, dù thời tiết thay đổi, xâm nhập mặn, đa dạng sinh học bị suy giảm, mực nước biển, ô nhiễm công nghiệp tăng cũng là các yếu tố đang đe dọa sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa cho hơn 20 triệu người ở miền nam Việt Nam và yếu tố đóng góp chủ chốt cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện chiếm 1/5 thị trường xuất khẩu thế giới.

Hai Thạch, một nông dân 65 tuổi trông mệt mỏi, chăm chú theo dõi mức độ xâm nhập mặn trên vùng đất mà ông trồng lúa, cam và quýt từ khi ông còn bé. Đối với ông Thạch và nhiều cư dân khác, tìm kiếm nguồn nước ngọt có thể dùng được thường đồng nghĩa với việc mất nửa ngày đi về phía thượng nguồn để lấy đủ nước uống, tắm rửa và nấu ăn. Sự cân bằng của sông và biển ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thay đổi mạnh mẽ. Đợt hạn hán năm 2016 đã tàn phá nguồn cung ứng lương thực, thêm dầu vào ngọn lửa tranh cãi về các hoạt động của Trung Quốc ở thượng nguồn, bao gồm việc xây 6 đập thủy điện. Các đập này không chỉ ngăn nước lũ chảy tới hạ nguồn mà còn giữ lại lượng lớn phù sa làm đất đai màu mỡ, nuôi lớn cá tôm.

Ngày càng có nhiều nhà khoa học, chuyên gia môi trường, nhóm thanh niên Việt Nam và quốc tế để ý mối liên quan trực tiếp giữa việc Trung Quốc tác động dòng chảy sông Mekong và sự gián đoạn của chu trình tự nhiên nuôi dưỡng hệ sinh thái. Theo họ, các đập của Trung Quốc đã làm suy yếu dòng chảy của sông và cho phép nước mặn xâm nhập xa hơn về phía thượng nguồn.

Ngoài đập thủy điện, thời tiết thay đổi, diễn biến khó lường cũng đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long. “Biến đổi khí hậu sẽ là tác động môi trường đáng kể nhất trong tương lai”, nhà sinh thái học Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện nhận định. “Lũ lụt xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng tăng, dẫn tới xâm nhập mặn cùng với triều cường, ô nhiễm đất, mực nước biển tăng, bão nhiệt đới theo mùa cũng tăng theo”, ông Thiện nói.

Ngân hàng Thế giới và nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang thực hiện một chương trình trị giá gần 400 triệu USD để hỗ trợ 9 tỉnh đối phó hiện tượng thời tiết cực đoan và những vấn đề phát sinh từ các đập thủy điện của Trung Quốc. Các nhà lập kế hoạch của Việt Nam ước tính, khoảng 45% Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn vào năm 2030 nếu các đập thủy điện và hồ chứa tiếp tục ngăn nước chảy xuống hạ nguồn.

Với đường bờ biển dài 3.260km, Việt Nam cũng đối mặt thách thức lớn về môi trường và an ninh lương thực, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long – nơi 22% dân số sinh sống. Nước biển dâng làm ngập lụt các vùng trũng, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào đợt cao điểm hạn mặn năm 2016, Ủy hội sông Mekong kêu gọi xả nước khẩn cấp từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Hành động xả nước được khen ngợi, nhưng cũng chứng tỏ Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát sông Mekong – con sông lớn thứ 12 thế giới.

Các nhà khoa học công tác ở Đại học Cần Thơ nói rằng, họ rất lo ngại trước các nguy cơ môi trường mà các đập mới quy mô lớn gây ra nếu chúng được xây dựng trong thực tế. Ông Thiện cho rằng, các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang đánh đắm và thu nhỏ Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án thủy điện làm thay đổi dòng chảy tự nhiên và ảnh hưởng ngư trường cùng các hệ sinh thái khác. Hệ thống đê dường như cũng thay đổi về lâu dài phương cách mà tự nhiên tích lũy nguồn cung nước trong mùa cạn và mùa lũ.

Một số nhà khoa học Việt Nam và quốc tế muốn đi sâu tìm hiểu đời sống nông dân trồng lúa và nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy các tập quán phát triển và nông nghiệp bền vững.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.