'Vua' cá chình miền nắng gió

TP - Bằng sự chịu khó, dám đổi mới phương pháp sản xuất, ông Trần Văn Đoàn đã phát triển thành công mô hình nuôi cá chình với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Đồng thời, ông còn hỗ trợ cho 20 hộ dân có được sinh kế ổn định từ công việc này.

Lãi gấp 2-3 lần cá nước ngọt khác

Năm 2012, gia đình ông Trần Văn Đoàn (55 tuổi, ở thôn Đăk Lợi, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) rời mảnh đất Cà Mau ngược ra thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) sinh sống và phát triển kinh tế.

Với kinh nghiệm nuôi cá ở quê, ông quyết định làm giàu từ mô hình nuôi cá nước ngọt. Sau gần 2 năm, ông đầu tư mua hơn 1.000m2 đất bỏ hoang gần nhà để đào 3 ao (mỗi ao hơn 300m2) nuôi thử nghiệm 20kg (loại 10 con/kg) cá chình giống.

'Vua' cá chình miền nắng gió  ảnh 1

Ông Đoàn bán trên 3 tấn cá chình mỗi năm

Nhờ phương pháp nuôi đúng, chỉ sau 18 tháng, cá giống phát triển tốt, gia đình ông Đoàn thu hoạch gần 3 tạ cá chình thương phẩm, trọng lượng từ 1,5-2kg/con. Thời điểm đó, ông bán với giá 400-450.000 đồng/kg, lãi gần 100 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần giống cá nước ngọt khác. Bước đầu thuận lợi, ông tiếp tục nhập thêm giống về nuôi trong các năm tiếp theo và đều đạt hiệu quả cao.

Theo ông Đoàn, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn lại dễ kiếm. Về kỹ thuật giúp nuôi cá chình lớn nhanh, ông Đoàn tiết lộ, khi đào ao xong, phải cho nước vào ngâm gần 20 ngày rồi rút sạch nước cũ, bơm nước mới vào, dùng vôi bột xử lý nước. Thông thường mực nước phù hợp nuôi cá chình khoảng 1,5-2m. Để hạn chế các bệnh đường ruột, ông cho cá ăn 2 ngày/lần và theo giờ cố định.

Để có nguồn thức ăn cho cá, ông Đoàn thu mua những loại cá nhỏ của các hộ dân ở xã Đăk Ngọk đánh bắt tại các lòng hồ thủy điện. Sau đó, ông đem về cho vào tủ lạnh với nhiệt độ từ âm 5 độ tới O độ C. Khoảng 2 ngày 1 lần, ông lấy lúa xay thành bột rồi trộn với cá nhỏ ướp lạnh xay nhuyễn làm thức ăn cho cá chình.

“Phương pháp này giúp giảm được một nửa chi phí so với thức ăn công nghiệp hiện có. Đồng thời, thức ăn do mình tự làm đã tích hợp sẵn thuốc ngừa bệnh nên cá chình không mắc các bệnh đường ruột, bệnh gan, tỷ lệ sống cao”, ông Đoàn cho hay.

Hỗ trợ bà con vươn lên làm giàu

Có được nguồn vốn ổn định, năm 2019, ông Đoàn quyết định mua thêm 1,5ha đất canh tác lúa kém hiệu quả tại thôn Đăk Lợi (xã Đăk Ngọk) để đào 5 ao (5.000m2) nuôi cá chình. Sau đó, gia đình ông ngưng nuôi ở 3 ao cũ và chuyển hẳn vào thôn Đăk Lợi sinh sống để tập trung nuôi cá chình ở 5 ao mới.

'Vua' cá chình miền nắng gió  ảnh 2

Mỗi năm, ông Trần Văn Đoàn thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng nhờ mô hình nuôi cá chình

Hiện mỗi ao ông Đoàn thả nuôi hơn 1.000 con cá chình giống. Sau 8 tháng, ông tiến hành tách đàn sang những ao khác tùy vào kích cỡ. Từ lúc thả giống đến khi thu hoạch, cá phải được chuyển ao 2 lần. Cá nuôi khoảng 18-20 tháng cho thu hoạch. Việc này không chỉ giúp làm sạch đáy ao, còn giúp cá chình lớn nhanh, ít hao hụt.

Nhờ đảm bảo lượng thức ăn và tiêu chuẩn ao nuôi nên đàn cá chình của ông Đoàn sinh trưởng tốt và cho ra thành phẩm ổn định. Hiện, mỗi năm ông bán trên 3 tấn cá chình. Cá đạt trọng lượng 1,5kg/con trở lên có giá từ 500.000-550.000 đồng/kg.

Theo ông Đoàn, nuôi cá chình không sợ đầu ra, dù giá cá khá cao nhưng có bao nhiêu là tiêu thụ hết, phần lớn bán cho các nhà hàng, khách sạn ở TP.Kon Tum và TPHCM. Nhờ đó, mỗi năm, ông thu lãi trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.

Từ năm 2019 đến nay, ông Đoàn đã giúp hơn 20 hộ trên địa bàn huyện Đăk Hà xây dựng ao nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, chọn con giống và chăm sóc cá chình. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông còn liên kết với các hộ nuôi và mỗi năm nhận bao tiêu gần 30 tấn cá chình thương phẩm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các gia đình.

Bà Y Sương, Chủ tịch UBND xã Đăk Ngọk cho biết, hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất sang nuôi cá chình. Điển hình gia đình ông Trần Văn Đoàn cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Từ mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Thời gian tới, địa phương sẽ cùng các ngành chức năng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất loại cá này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.