Chàng giám đốc này thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai trong nghề cá, nếu trước đây đa số doanh nhân từ các ngành nghề khác chuyển “tay ngang” sang kinh doanh nuôi trồng thủy sản thì “Ðức giống” thuộc thế hệ được đào tạo bài bản và vừa làm việc vừa nghiên cứu, tìm tòi.
Võ Ðông Ðức sinh ở Nghệ An, nhưng sự nghiệp bắt đầu từ trường Ðại học Thủy sản Nha Trang. Bạn bè còn nhớ thủa sinh viên hàn vi, tuy là người tỉnh xa đến học nhưng Ðức năng nổ và tự lập, đã mở quán cà phê sinh viên để mưu sinh và mở mang giao lưu với bạn bè cùng chí hướng ở Nha Trang.
Cuộc đời trải những thăng trầm. Vừa ra trường, với tài năng của mình, chàng sinh viên trẻ lao vào kinh doanh nuôi trồng thủy sản và trở thành “tiểu gia” với số vốn nhiều tỷ đồng. Song, khi phong trào chứng khoán mới nổi, chàng trai trẻ đã thử sức trên thị trường chứng khoán và lâm vào cảnh điêu đứng choáng váng.
Vua cá chẽm
Từ bỏ môi trường kinh doanh máy lạnh, lướt sóng chứng khoán, Võ Ðông Ðức đã trở lại với ruộng đồng, như một chàng sinh viên thủy sản đúng nghĩa nhất. Từ TPHCM, anh xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, ăn với cá, ngủ với cá, chăm sóc cá hơn chăm sóc bản thân. Có những mùa mưa bão, gió thổi bay hết cả trại giống. Trắng tay, lại làm lại từ đầu. Rồi Ðức nổi lên như một trong những “ông vua cá chẽm” của Việt Nam.
“Riêng con tôm chúng ta luôn tự hào có vài ngàn loại sản phẩm thuốc chữa bệnh! Nhưng vấn đề làm sao sản xuất con giống sạch bệnh, tạo môi trường nuôi trồng ít bệnh tật thì ít được nói tới”.
Kỹ sư Võ Ðông Ðức
Trong khi mọi người đi theo con đường làm tôm, làm cá tra thì Võ Ðông Ðức say sưa với cá chẽm. Chẽm là một loại cá ngon của Việt Nam. Cá chẽm có thể sống trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Ðiều khó là khâu sản xuất giống ở nước ta còn quá mới mẻ. Nhiều người làm giống cá chẽm nhưng đa phần thất bại. Cá chẽm chưa được thuần hóa, khả năng sinh sản, nhân giống hiệu quả rất thấp.
Tới thăm trại giống của "Ðức cá", chúng tôi ngạc nhiên thấy trại đặt luôn trên biển, giữa muôn trùng sóng gió. Những con cá chẽm bố mẹ trọng lượng rất lớn, được nuôi thuần hóa và sinh sản với quy trình do chính kỹ sư Võ Ðông Ðức nghiên cứu sáng tạo. Cá chẽm của Công ty Nhất Giống của Võ Ðông Ðức được bán rộng rãi khắp cả nước và nhiều thời điểm sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu. Mỗi năm công ty anh cung cấp cho thị trường hàng triệu cá chẽm giống với chất lượng rất đồng đều. Rất nhiều nhà hàng, tiệc cưới đã dùng cá chẽm Việt Nam như một món ăn khoái khẩu.
Trò chuyện với chúng tôi, Võ Ðông Ðức nói: “Tôi không chỉ làm cá chẽm, mà muốn chứng minh với bạn bè và người trong ngành rằng chúng ta có thể phát triển những sản phẩm thủy sản mới, không chỉ dựa mãi vào tôm và cá tra. Nhưng muốn đa dạng các sản phẩm mới thì khâu cần đột phá chính là làm con giống để không phụ thuộc nước ngoài, do đó tôi mới đặt tên công ty của mình là Nhất Giống”.
Tiếng là giám đốc, nhưng “Ðức cá” ở trại giống thời gian còn nhiều hơn công nhân. Lâu lâu anh mới về TPHCM thăm vợ con. Còn nhớ có năm kinh doanh thuận lợi, anh vội về mua tặng cho vợ một chiếc xe máy tốt và một chiếc túi xịn. Người vợ trẻ rất mừng, vì lúc nào cũng lo cho sự nghiệp cá chẽm nơi đầu sóng của chồng. Số lãi còn lại, Ðức chia đều cho tất cả anh em trong công ty, nói: “Không có mọi người thì không có thành công của năm nay”. Giám đốc không giữ lại đồng nào làm “của riêng”.
Dựa quá nhiều vào kháng sinh
Dự các hội nghị, hội thảo, người ta thấy ý kiến của Võ Ðông Ðức thường sắc sảo, đau đáu với sự nghiệp chung. Trước việc sản phẩm thủy sản nhiễm kháng sinh nhiều, sử dụng hóa chất nhiều, Võ Ðông Ðức chỉ ra rằng nguyên nhân cơ bản là sản xuất kinh doanh ở Việt Nam dựa quá nhiều vào kháng sinh, trong khi ở các nước tiên tiến lại quan tâm đến việc sản xuất cung ứng con giống sạch bệnh, có khả năng chống chọi với thời tiết và bệnh tật.
Võ Ðông Ðức nói với chúng tôi: “Nghề nuôi tôm Việt Nam trong hơn 20 năm qua đa số là chú ý nhiều vào bệnh tật, các thầy cô giáo thì dạy nguyên nhân nào gây ra bệnh, các kỹ sư thì bệnh nên dùng thuốc gì, các công ty thuốc thì sản xuất ra thuốc gì để chữa bệnh đó, người nuôi khi tôm bị bệnh xem như mất vốn nên cũng suy nghĩ khi bệnh thì nhờ ai tư vấn hay chữa bằng thuốc gì? Tất cả các giải pháp đều loanh quanh bệnh. Riêng con tôm, chúng ta luôn tự hào có vài ngàn loại sản phẩm thuốc chữa bệnh! Nhưng vấn đề làm sao sản xuất con giống sạch bệnh, tạo môi trường nuôi trồng ít bệnh tật thì ít được nói tới”.
Nhiều người có chuyên môn đều đồng ý với ý kiến của “Ðức cá” khi trong thực tế nhiều trại giống cung ứng ra thị trường tôm cá nhiễm bệnh mà vẫn tồn tại. Mầm bệnh luân chuyển khắp nơi, bắt nguồn từ con giống chưa sạch bệnh. Trong nhiều hội nghị của Bộ NN&PTNT và các sở đều đề cập đến tình trạng con giống nhiễm bệnh ngay từ lúc làm giống và người nông dân phải chịu hậu quả nặng nề là tôm cá chết, hoặc họ phải dùng kháng sinh chữa trị trong quá trình nuôi.
Mơ về môi trường sạch bệnh
Võ Ðông Ðức nói: “Ai cũng bảo các viện khoa học và người nông dân còn khoảng cách xa xôi quá, hai nhà này chưa thông cửa với nhau. Chúng tôi đã làm dự án này nhằm đưa tiến bộ khoa học mới nhất mà các nhà khoa học Việt Nam đang có, vào sản xuất giống. Cụ thể là với con tôm giống thì chúng tôi dùng công nghệ cao trên thế giới Bioactive peptide, liposome để ứng dụng vào nuôi vỗ tôm bố mẹ và tôm giống”. Công nghệ phân tử Bioactive peptide được phát triển vài thập kỷ lại đây trong lĩnh vực y học và thực phẩm chức năng.
Người cựu sinh viên trường Thủy sản Nha Trang này đặt niềm tin rằng với việc áp dụng khoa học, sản xuất ra những con giống có nội lực, ít nhiễm bệnh, sẽ là tiền đề cho một bước ngoặt mới, đó là nuôi trồng thủy sản không kháng sinh, từ đó cung cấp tôm cá sạch bệnh cho người nuôi và nhà máy chế biến xuất khẩu. Ước mơ lớn và khối lượng công việc không nhỏ, song Võ Ðông Ðức đang đi theo hướng sản xuất sản phẩm sạch bệnh đang được các nước tiên tiến nhất theo đuổi.