Trai nhảy, “call boy” (trai gọi – PV) kiếm được đồng tiền cũng nhọc nhằn mồ hôi và cay đắng. Biết là cạm bẫy nhưng họ vẫn lao vào “nghề” như con thiêu thân đốt đời trong các vũ trường và bị vắt kiệt sức lực trong các hộp đêm tình ái.
Những cặp nhảy “điên hết mình”
Vũ trường X Sài thành nổi tiếng là điểm dừng chân của giới thượng lưu những đêm cuối tuần. Ánh điện mờ ảo, lung linh và tiếng nhạc xập xình du dương, một thanh niên to cao, đẹp trai với đôi chân điêu luyện dìu người đàn bà luống tuổi trong điệu nhảy Valso, cố rướn mình để dìu bước chân người đàn bà to béo đang đắm đuối nhìn bạn nhảy. Ở đây ai cũng biết mỹ nam tên Khắc Đăng này là diễn viên múa chuyên chạy sô cho các buổi dạ tiệc ở TP.HCM
Sau điệu nhảy Valso khai vị, tiếng nhạc rock inh tai, nhức óc chát chúa nổi lên, tức thì những bước chân thướt tha vừa rồi trở nên rối rít điên loạn. Lúc này Đăng mới thể hiện hết sự cuồng nhiệt hoang dã của mình.
Những động tác lắc ngang, lắc dọc gợi dục bốc lửa, những cái lắc vai, vuốt ve “khoe hàng” của Đăng cũng không làm cho người bạn nhảy ngượng ngập, ngược lại “bà ta” còn “sung” hơn và tỏ ra thích thú với động tác hoang dã ấy, cũng lắc mông và say sưa làm những động tác kiểu “trèo cột”.
Biết cạm bẫy, vẫn dấn thân
Tiếng nhạc càng lớn thì chàng trai càng lắc mạnh, càng cọ xát. Mồ hôi nhễ nhại, Đăng cởi áo ngoài, lộ rõ bộ ngực trần. Người đàn bà bám vào hai cánh tay vạm vỡ của bạn nhảy, cũng uốn éo thể hiện những động tác gợi dục theo tiếng nhạc điên cuồng. Ở vũ trường này không chỉ có cặp nhảy của Đăng mới “điên” như thế. Tất cả các cặp khác đều đến đây để được “điên hết mình”.
Vốn có chút quen biết trước đó, tranh thủ lúc giải lao, tôi đến bắt chuyện với Đăng. Chàng trai hơi ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của người quen nhưng nhanh chóng trấn tĩnh, không quên giới thiệu người phụ nữ bên cạnh: “Đây là bạn nhảy của em”.
Người đàn bà mặt bự son phấn có vẻ gượng gạo đành cáo lỗi và nhường chỗ. Đăng tâm sự thật, tiền lương diễn viên đoàn ca múa nhạc không đủ xài nên làm thêm nghề “call boy”: “Bạn bè gì anh, những bà “sồn sồn” ấy mà, họ có nhu cầu, mình chiều họ thôi”.
Hỏi một đêm ở đây được bao nhiêu tiền, Đăng nói: “Chẳng kể được, vài triệu cũng nên, tiền bo là chính. Mỗi lần nhảy với khách, thường họ dúi vào tay 200 ngàn. Cũng có khi gặp “khách sộp muốn overnight” (qua đêm) thì ok luôn, dĩ nhiên một đêm như thế cũng nặng tay chứ”.
Sao không kiếm việc khác làm tốt hơn? Chàng trai trả lời: “Hoàn cảnh thôi anh ơi. Công việc mà, biết là cạm bẫy nhưng nhiều khi phải dấn thân. Biết là kiếm được đồng tiền phải trả giá đắt, phải thức thâu đêm, thậm chí bệnh hoạn, ảnh hưởng đến tương lai vợ con sau này nhưng vẫn làm. Em đã quen đi nhảy với ánh đèn đêm ở vũ trường này rồi”.
Ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) không có vũ trường dành riêng cho người đồng tính một cách công khai, song giới đồng tính lại coi Vũ trường X trên là nơi tập trung của tình yêu đồng giới. Không chỉ những người đồng tính đến đây để tìm bạn tình mà cả những “call boy” trai nguyên (tức là 100% đàn ông) như Đăng cũng đến để… bán tình.
Khách mua tình là các quý bà, quý cô “sồn sồn”, là “dân” đồng tính, và không ít những người đàn ông giàu có thích “của lạ” nên cũng thử một lần cho biết, không ngờ sau đó thành “nghiện”, bỏ vợ theo luôn trai nhảy, quấn quýt không rời.
Đời “call boy” trai nguyên
Trong Vũ trường N. (cũng ở TP.HCM), Sinh đang “cắn môi” người đàn ông hơn tuổi bố mình trong điệu nhảy rumba. Dù ánh đèn loang loáng nhưng không thể nhầm được anh chàng đẹp mã đang được giới đồng tính “hút” như điện này.
Sinh kể mình có hoàn cảnh khá éo le. Bố lấy vợ hai, hai mẹ con bồng bế nhau vào Sài Gòn kiếm sống. Do có giọng hát hay nên hơn một năm qua Sinh chạy sô hát cho các nhà hàng tiệc cưới quanh thành phố, sau đó chuyển nghề làm “hướng dẫn viên” cho các bà, các cô quá lứa lỡ thì, thậm chí cả những “mens” lắm tiền, thiếu tình.
Người đàn ông “cắn môi” Sinh trên sàn nhảy lúc trước chính là “bồ già” đang bao Sinh từ A đến Z. Sau những bước chân điên loạn ở vũ trường, Sinh chở “người yêu” dạo quanh đâu đó và dừng chân ở hộp đêm trong khách sạn hay nhà hàng gần đó. “Có mất mát gì đâu, mình bỏ tình thì được tiền, thế thôi” – Sinh nói.
Tuy nhiên, đằng sau những bước chân khiêu vũ kiêu hãnh, lả lướt và bộ áo hào hoa ấy vẫn là những dằn vặt về một nghề nhiều… cạm bẫy. “Đâm lao thì phải theo lao thôi. Làm nghề này nhiều cạm bẫy. Anh cứ ở đây mà coi, trai nhảy như em ở đây thiếu gì. Nhưng như em thì đã đem tình yêu hiến dâng cho người đồng tính hết rồi” - Sinh cười rồi vội vã bước nhanh ra giữa vũ trường khi bản nhạc Cha cha cha bắt đầu nổi lên hối thúc.
Trai nhảy như Đăng, như Sinh kiếm tiền cũng nhọc nhằn mồ hôi và cay đắng. Biết là nhiều cạm bẫy, nhưng họ vẫn lao vào “nghề” như con thiêu thân đốt đời trong các vũ trường và bị vắt kiệt sức lực trong các hộp đêm tình ái.