Sám hối của gã 'trai bao' sẵn sàng đánh đổi mọi thứ vì tiền

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những lần ngồi tâm sự với bạn bè, anh hay nói nếu được sống giàu sang thì có đánh đổi bất cứ thứ gì cũng được. Đến hiện tại, khi những mơ ước đã thành hiện thực, anh thầm mong quaylại cuộc sống bình dị ngày xưa, nhưng ở đời đâu phải ước là được...

Ước mơ giàu sang của chàng trai bán hạt dẻ

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo miền Tây, suốt ngày đối mặt với ruộng lúa nương khoai làm anh thấy khó nhọc. Mọi người xung quanh vẫn hay đùa, một anh chàng thư sinh có khuôn mặt điển trai như tài tử thế này mà lại chỉ lo làm việc đồng áng thì thật phí phạm cái sắc đẹp mà tạo hóa đã ban cho.

Nguyễn Hoàng Dũng (SN 1988, quê Sóc Trăng) cũng thường nghĩ với khuôn mặt và vóc dáng ưa nhìn của mình đáng lý ra trời phải cho anh một cuộc sống nhung lụa mới tương xứng.

Nghĩ rằng chốn phồn hoa đô hội nơi Sài thành là mảnh đất để anh thực hiện ước mơ nhung lụa nên anh từ bỏ công việc đồng áng và khăn gói lên đường. Nhưng sự thật lại trái ngược, cuộc sống nơi chốn phồn hoa này không phải là thiên đường như anh nghĩ nhất là với một anh chàng từ tỉnh lẻ thân cô thế cô ở đất lạ quê người.

Dũng chia sẻ: “Trước khi lên Sài Gòn tôi cứ tưởng sẽ tìm được một công việc kiếm ra nhiều tiền như làm người mẫu hay đại loại những công việc nhẹ nhàng lương cao. Vì tôi tin rằng ngoại hình của tôi không thua kém là bao so với những nam tài tử hay người mẫu mà tôi từng xem qua báo đài”.

Sau một thời gian đi xin việc khắp các hãng thời trang và các lò đào tạo người mẫu nhưng không được, với lại trình độ của Dũng cũng chỉ mới hết lớp 8 nên tìm một công việc làm văn phòng cũng rất khó khăn.

“Tiền bạc mang theo cũng sắp cạn, trở về quê thì sợ bạn bè và bà con hàng xóm chê cười vì khi đi tôi đã trót dại miệng nói là lần sau về tôi sẽ trở nên giàu có. Cuối cùng, tôi quyết định bám trụ lại đây với công việc bán hạt dẻ cho khách qua đường”, Dũng chia sẻ.

Công việc này mặc dù nhọc nhằn nhưng cũng mang lại cho Dũng một số tiền đủ để sống ở chốn Sài thành, nhưng cái ước mơ giàu có vẫn không khi nào mất đi trong đầu anh.

Những lần ngồi đối ẩm với bạn bè, anh vẫn thường hay nói với họ, nếu trời thương cho anh có được cuộc sống giàu sang cho dù có giảm tuổi thọ hay đánh đổi bất cứ thứ gì anh cũng chấp nhận.

Không biết có phải trời phật thương tình nghe thấu lời cầu xin, hay số phận nghiệt ngã đã cho anh gặp được người có thể đáp ứng nhu cầu của anh.

Dũng kể: “Tôi mãi sẽ không quên lần gặp mặt với người đàn ông đó, tôi vẫn thường hay bán hạt dẻ ở một ngã tư trên địa bàn Quận 1. Có một ông khách nước ngoài vẫn hay đến mua hàng của tôi đi chung với ông ta là một người đàn ông người Việt. Những gì ông ta nói đều được người đàn ông người Việt dịch lại cho tôi nghe. Ông ta bảo rằng là một thương nhân người Pháp qua Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, và có ngỏ ý muốn mời tôi đi uống cà phê với ông ta. Cứ nghĩ là điều bình thường nên tôi đồng ý, những buổi nói chuyện trong quán nước ông ta vẫn hay khen tôi đẹp và thường tặng cho tôi những món quà đắt tiền”.

Vì sống ở đất Sài thành cũng được một thời gian nên ít nhiều Dũng cũng biết được đằng sau những buổi cà phê và các món quà đắt giá đó là những ý gì mà người đàn ông người Pháp đó muốn.

“Tôi biết được ông ta muốn gì, những cử chỉ rất lạ của ông ta, những món quà đắt tiền mà ông ta dành tặng cho một người xa lạ như tôi, tôi vẫn nhận và không có một hành động phản kháng nào vì tôi biết rằng ông ta thực sự giàu, rất giàu và dĩ nhiên ông ta là một người đồng tính nên việc ông ta cho tiền và tôi đáp lại nhu cầu của ông, như là cách tôi chấp nhận đánh đổi để có được một cuộc sống mà tôi mơ ước”, Dũng nói trong chua xót.

Cái giá phải trả cho cuộc sống nhung lụa

Vì vẻ đẹp trai và nhất là biết chiều chuộng nên Dũng được thương nhân người Pháp cưng chiều hết mức. Quần áo hàng hiệu, phụ kiện đắt tiền, không khi nào Dũng muốn mà ông ta không đáp ứng. Chẳng những thế ông ta còn mua cho Dũng một biệt thự sang trọng trong một khu dành cho những đại gia lắm tiền nhiều của sinh sống.

“Mọi người nhìn cứ ngỡ tôi là một người giàu có sung sướng nhưng thật ra những thứ đó ông ta nói là cho chứ trên giấy tờ pháp lý đều là của ông. Tôi biết chiều ông thì tôi còn được hưởng chứ không thì tôi ra đường với hai bàn tay trắng”, Dũng nói.

Dẫu vậy nhưng cuộc sống của Dũng hiện tại đã đúng như trong mơ ước của anh, có nhà lầu xe hơi, tiền bạc tiêu thoải mái. Nhưng cũng giống như những gì mà trước đó Dũng đã cầu trời khấn phật, để có được những thứ đó anh đã phải đánh đổi và thậm chí là đánh đổi rất lớn.

Dũng tâm sự: “Tôi không có tự do, mọi hành động của tôi đều bị ông ta kiểm soát. Ông ta cấm tôi không được ra ngoài khi không có ông đi cùng, tôi không được giao du nói chuyện với bất cứ bạn bè nào của tôi cả. Nếu như tôi làm trái lời thì ông ta sẽ lấy lại hết những gì mà ông ta đã cho tôi”.

Nhưng cũng có những lần Dũng trốn khỏi căn biệt thự xa hoa để đi chơi với bạn bè, họ nhìn thấy Dũng trong trang phục đắt tiền thì mừng cho anh, nhưng họ đâu biết những gì mà Dũng đã đánh đổi mới có được.

Dũng nói: “Bạn bè đều tưởng tôi làm ăn suôn sẻ chứ họ đâu biết được sự thật mà tôi đã trải qua. Những lần trốn đi chơi về tôi đều bị ông đánh đập hành hạ đủ điều, vì ông luôn cho người theo dõi tôi những lúc ông ta đi vắng. Sau những trận đòn và những lời hăm dọa sẽ lấy lại những thứ đã cho, ông làm tôi sợ hãi, tôi sợ rằng mình sẽ quay trở lại làm cái công việc buôn bán hạt dẻ trên vỉa hè, sợ rằng bạn bè gặp tôi với cảnh thiếu thốn rồi người thì thương hại kẻ thì xem thường. Nghĩ đến đó tôi đã không còn dám làm trái lời ông ta nữa”.

Nhưng cuộc sống chim lồng cá chậu làm cho Dũng cảm thấy bức bối, anh muốn tìm một thú vui khác để khỏa lấp những nỗi buồn hiện tại. Thế là anh tìm đến với “nàng tiên nâu”, và những tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc.

Dũng chia sẻ: “Giờ tôi đã nghiện nặng, nếu không có thuốc tôi sợ rằng mình không chịu được, càng ngày tôi càng phụ thuộc vào ông ta vì những khoản chi phí của tôi ông ta đều chu cấp hết. Tôi còn biết được rằng chính ông ta đã cho người dụ dỗ tôi vào con đường nghiện ngập để dễ bề kiểm soát tôi. Vì thời gian sắp tới ông ta phải trở lại Pháp để lo công việc, sợ rằng tôi sẽ tự tung tự tác ở đây nên ông ta dùng đến thủ đoạn đó. Có lẽ giờ ông ta đã đạt được, tôi không còn dám làm trái ý ông ta nữa, giờ tôi chỉ biết chìm sâu cùng với làn khói và tiếng nhạc xập xình”.

Nhìn Dũng hiện tại tôi thật sự thấy chua xót cho số phận nghiệt ngã của anh, mặc dù cái ước mơ của Dũng là quá hão huyền. Nhưng thực sự Dũng đã phải trả cái giá quá đắt cho những phù phiếm xa hoa mà anh đang chìm đắm trong hiện tại.

Dũng nói rằng lúc ban đầu chỉ muốn kiếm chút ít tiền rồi sẽ kiếm cơ hội rời khỏi người đàn ông đó. Nhưng càng ngày anh càng lún sâu, bây giờ muốn sống lại cuộc sống như thuở còn chân lấm tay bùn nơi chốn làng quê cũng đã không còn kịp nữa.

Trong suốt cuộc trò chuyện có một câu nói của anh mà tôi phải suy ngẫm: “Lúc trước tôi cầu xin phật trời cho có được cuộc sống sung sướng dù tôi phải đánh đổi tuổi thọ hay bất cứ thứ gì. Hiện giờ những điều tôi cầu xin đã linh ứng, ma túy đang cướp đi của tôi tuổi thanh xuân và cuộc sống ngục tù nơi biệt thự xa hoa là cái giá mà tôi phải trả cho những mơ ước ngu dại của mình. Muốn sống sung túc mà không chịu lao động là một ước mơ thật quá hão huyền”...

“Cuộc sống bệnh hoạn làm biến đổi con người tôi”

Dũng kể: “Trước khi về sống với ông ta tôi cũng quen và yêu thương một cô gái, những lúc ông ta không có nhà tôi vẫn thường lén đi gặp người yêu của mình. Nhưng dần dà tôi thấy cảm giác không còn thích thú khi ở gần cô ấy nữa, ngược lại tôi lại thích những anh chàng cao to đẹp trai. Lúc đó tôi mới biết cái cuộc sống bệnh hoạn với ông ta đã làm biến đổi con người tôi”.

 

Theo Trọng Nghĩa

Theo Đời sống&Pháp luật
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.