Vụ Thủ Thiêm: Cử tri đề nghị Ủy ban Tư pháp vào cuộc

TP - Sáng 1/12, tiếp xúc với Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 sau kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, nhiều cử tri quận 2 cho rằng, buổi đối thoại giữa người dân với Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM vừa qua về ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) sẽ thành công hơn nếu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham gia xem xét các vấn đề pháp lý liên quan.   

Về buổi đối thoại vừa qua, cử tri Nguyễn Hồng Quang (phường Bình Khánh) cho rằng, khi xảy ra xung đột pháp lý giữa người dân và chính quyền, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần vào cuộc bởi vụ khiếu nại ở Thủ Thiêm đã kéo dài 24 năm và Ban Dân nguyện của Quốc hội không có chuyên môn để xem xét các vấn đề liên quan pháp lý.

Vụ Thủ Thiêm: Cử tri đề nghị Ủy ban Tư pháp vào cuộc ảnh 1 Cử tri quận 2, TPHCM cung cấp hồ sơ, tài liệu vụ Thủ Thiêm cho các đại biểu Quốc hội sau buổi tiếp xúc

“Chúng tôi đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc. Đối thoại vừa qua liên quan đến pháp lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng không có trọng tài nên mới có việc tréo ngoe là Thanh tra Chính phủ giao việc giải quyết chính sách bồi thường cho UBND TPHCM, trong khi người dân đang khiếu nại chính sách này”, cử tri Nguyễn Tấn Cứ (phường An Khánh) nói.

Giải quyết quá chậm

Cử tri Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) nói rằng, lãnh đạo TPHCM đã xin lỗi và hứa nhưng hai năm rồi vẫn chưa thành tâm giải quyết; người dân tiếp tục chờ đợi mỏi mòn. Đối thoại với người dân phải triệt để, bình đẳng, không được đá trách nhiệm, xem người dân như quả bóng. “Khiếu nại đã kéo dài hơn 2 thập kỷ. Vì tinh thần nhân văn, nhân đạo, tôi kêu gọi chính quyền TPHCM sớm giải quyết khiếu nại cho 115 hộ đang khiếu kiện. Ai khiếu nại trước giải quyết trước. Hiện nay, nhiều người vì dự án này mà bị tâm thần, có trường hợp phải đi xin ăn và rất nhiều người đang ở tuổi xế chiều”, bà Mỹ nói.

Ghi nhận ý kiến các cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã đưa vụ Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội, nhiều lần thảo luận tổ cũng như có văn bản báo cáo Ban Dân nguyện của Quốc hội, chất vấn lãnh đạo các bộ, ngành… Trong quá trình giải quyết, có những vấn đề người dân chưa đồng tình thì phải tổ chức đối thoại.

“Tôi nghe Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn kết luận, sẽ tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định pháp luật, xin ý kiến của Thủ tướng chính phủ xem xét giải quyết quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi để vụ Thủ Thiêm được giải quyết đúng pháp luật và nhanh hơn. Thấy cô bác đi kiện, chúng tôi rất xót xa. Quá trình giải quyết đúng là quá chậm và cũng có một phần trách nhiệm của các đại biểu”, bà Tâm nói.

Tại buổi đối thoại với người dân chiều 27/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, mục tiêu đối thoại là tìm sự thống nhất, nhưng thống nhất về mặt pháp lý rất khó khăn. Thời gian tới, vụ Thủ Thiêm cần có một cơ quan có thẩm quyền rà soát cơ sở pháp lý cả hai phía để kết luận thì mới giải quyết được.

MỚI - NÓNG