Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Tình huống mới cần được nghiên cứu, mổ xẻ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại diện UBATGT Quốc gia đánh giá vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tình huống mới mà các cơ quan chức năng cần phân tích, mổ xẻ để có giải pháp kịp thời khi sắp tới có rất nhiều tuyến cao tốc được đưa vào khai thác.

Quy tắc “vàng” khi xảy ra sự cố

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGT) cho rằng, theo quy định cao tốc cần đảm bảo sự thông thoáng và không để bất kỳ chướng ngại vật nào ở trên đường. Tuy nhiên, trên thực tế các sự cố trên cao tốc vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến việc lưu thông, và tiềm ẩn rủi ro cho các phương tiện.

Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Tình huống mới cần được nghiên cứu, mổ xẻ ảnh 1

Theo các chuyên gia, cần có quy định giới hạn tối đa về thời gian cứu hộ các sự cố xảy ra trên cao tốc

Theo ông Minh, ở Việt Nam, hiện đã có một số quy định về đảm bảo an toàn trên cao tốc, song việc hệ thống cao tốc phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây đã phát sinh những vấn đề mới. Như vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, theo quy định, người điều khiển phương tiện cần giữ nguyên hiện trường, thế nhưng nếu giữ nguyên hiện trường quá lâu sẽ gây nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng hơn.

Ông Minh cũng cho rằng, trong trường hợp này, tài xế và người trên xe phải di dời ra khỏi cao tốc càng nhanh càng tốt, và đứng bên ngoài lan can đường, đồng thời nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng. Tài xế cần phải bật cảnh báo nguy hiểm để cho các phương tiện phía sau biết, và cần đặt biển cảnh báo.

Tuy vậy, điều này mới chỉ đảm bảo an toàn cho những người trên xe, để không xảy ra các vụ va chạm tiếp theo, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, còn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân những người tham gia giao thông trên cao tốc thời điểm đó và cơ quan chức năng.

Theo đó, người tham gia giao thông khi qua khu vực tai nạn cần phải bấm đèn khẩn cấp để cảnh báo cho các phương tiện phía sau biết, đồng thời có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Còn với các cơ quan chức năng cần phải phát hiện sự cố sớm nhất, và kiểm soát dòng giao thông đi qua khu vực.

“Chúng ta nên đưa biện pháp này vào quy tắc. Số điện thoại của cơ quan chức năng cần thống nhất một số trên toàn quốc. Cùng với đó, trên các tuyến cao tốc cần bổ sung hệ thống giao thông thông minh. Cứ khoảng 5-10km phải có hệ thống cảnh báo để phương tiện phía sau biết để giảm tốc độ và chuyển hướng làn đường”, ông Minh nói.

Đại diện Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phong là tình huống mới và các cơ quan chức năng cần phân tích, mổ xẻ để có những giải pháp kịp thời khi sắp tới đây hàng loạt tuyến cao tốc được đưa vào khai thác.

Lộ nhiều lỗ hổng

Đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - Vidifi (đơn vị quản lý đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cho biết, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc thời gian gần đây cho thấy, một bộ phận tài xế đang thiếu kỹ năng khi điều khiển phương tiện, dẫn đến nguy hiểm cho chính lái xe và người tham gia giao thông.

Theo đại diện Vidifi, khi gặp sự cố trên đường cao tốc hoặc quốc lộ, người tham gia giao thông cần chú ý quan sát và bật đèn xi nhan, cố gắng từ từ di chuyển từng làn một đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy cho đến khi vào sát bên phải phần đường xe chạy hoặc làn dừng xe khẩn cấp (nếu có), đồng thời bật xi nhan cảnh báo.

Sau đó, tài xế xuống xe (mặc áo phản quang vào ban đêm) và đặt ngay 3 chóp nón hoặc biển tam giác phản quang… phía sau xe để cảnh báo với khoảng cách 100m trên cao tốc.

“Lái xe không được tự ý đi bộ trên đường cao tốc, phải đứng ngoài dải tôn hộ lan để đảm bảo an toàn, sau đó gọi điện thoại đến đường dây nóng để được hỗ trợ”, đại diện Vidifi cho hay.

Luật sư Trần Thanh Phán - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Nghị định 100/2019, khi xảy ra va chạm giao thông, người điều khiển phương tiện cần giữ nguyên hiện trường. Trong trường hợp cố tình làm thay đổi trật tự hiện trường tai nạn giao thông, gây cản trở cho công tác điều tra, người vi phạm có thể bị phạt lên tới 18 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 7 tháng.

Điều đáng nói, theo Luật sư Phán trên các tuyến cao tốc hiện nay nếu giữ nguyên hiện trường quá lâu sẽ có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng hơn. “Pháp luật chưa có quy định về việc trong thời gian bao lâu, người và phương tiện trong vụ tai nạn phải di dời khỏi hiện trường, do đó tiềm ẩn rủi ro rất cao”, Luật sư Phán nói.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trao đổi PV Tiền Phong, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện đã có những quy định về việc yêu cầu xử lý sự cố khi lưu thông trên cao tốc. Trong trường hợp này, các tài xế phải đưa phương tiện vào khu vực làn dừng khẩn cấp, và có cảnh báo đến phương tiện phía sau. Còn việc đảm bảo hiện trường vụ tai nạn chỉ phục vụ cho cơ quan công an khi điều tra vụ việc.

MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.