Vụ sập công trình tại Đồng Nai: Nạn nhân thiệt vì không có BHXH ​

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hiện trường vụ tai nạn ở KCN Giang Điền, Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Thắng
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hiện trường vụ tai nạn ở KCN Giang Điền, Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Thắng
Theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, hầu hết các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vừa qua không có hợp đồng lao động và không tham gia BHXH. Vì vậy họ không được hưởng các chế độ BHXH liên quan.  

Cuối tuần qua, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng dẫn đầu cùng đại diện Cục an toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh xã hội), Bộ Công an đã khảo sát hiện trường công trình xây dựng bị sập ở KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) làm 10 người chết, 14 người bị thương.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đây là một sự cố nghiêm trọng về an toàn lao động. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan tìm kiếm cứu nạn, công an tỉnh khẩn trương thực các biện pháp nghiệp vụ cần thiết và đã tạm giữ 3 người liên quan.

Đồng thời cung cấp các tài liệu cần thiết cho Bộ Xây dựng, cơ quan điều tra để phối hợp làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định pháp luật. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, dừng thi công các công trình tương tự để tránh xảy ra sự cố, cung cấp thông tin minh bạch, công khai cho cơ quan điều tra.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, bước đầu, cơ quan chức năng xác định, đơn vị thi công đã có dấu hiệu vi phạm xây dựng, không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) với công nhân.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội,  cho biết Điều 144 Bộ luật Lao động 2012, quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động (SDLĐ) đối với người lao động (NLĐ) là phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT; hoặc thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT.

Căn cứ Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014, thì NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Về những trường hợp bị TNLĐ như trên, cơ quan chức năng sẽ xác định người nào là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. 

Về trách nhiệm, theo luật sư Tú, nếu người SDLĐ không đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ-BNN) cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì ngoài việc phải bồi thường theo quy định tại Điều 38 của Luật ATVSLĐ, còn phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ BH TNLĐ-BNN. Đối với trường hợp NLĐ không tham gia BHYT, thì người SDLĐ phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với NLĐ.

Về nguyên tắc, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cả chủ đầu tư và đơn vị thi công, đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình đều phải chịu trách nhiệm pháp luật khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm của từng bên cũng như có biện pháp xử lý thích đáng phải căn cứ nguyên nhân của sự cố trên là bắt nguồn từ khâu nào? Trong quá trình thiết kế, thi công hay giám sát công trình? Hiện tại, các cơ quan chức năng đang khẩn trương xem xét và điều tra nguyên nhân của vụ việc trên.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, do hậu quả xảy ra vô cùng nghiêm trọng nên theo vị luật sư, lãnh đạo thuộc Cty TNHH Hà Hải Nga – đơn vị thi công công trình còn đối mặt với khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật hình sự. Theo đó mức hình phạt từ 7-12 năm.

Bên cạnh đó, ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, căn cứ Điều 4 Thông tư 04/2017/TT-BXD, Cty TNHH Hà Hải Nga còn phải khắc phục hậu quả tai nạn lao động do sự cố sập tường. Đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho công nhân bị tai nạn lao động và gia đình của người tử nạn theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó, công nhân bị tai nạn sẽ được nhận các khoản bồi thường như: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất; những thiệt hại khác. Ngoài ra còn được bồi thường một khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần theo thỏa thuận giữa các bên, trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa là không quá 74.500.000 đồng (tương ứng với 50 lần mức lương cơ sở)…

“Cty TNHH Hà Hải Nga, đơn vị thi công công trình xây dựng đã sai phạm về quy trình, bảo hộ lao động và an toàn lao động cho công nhân, thậm chí còn sử dụng lao động thời vụ không được hướng dẫn về an toàn lao động trên công trường. Với sự sai phạm trên, công ty trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trường. Theo đó sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng”, Luật sư Trương Anh Tú phân tích.

MỚI - NÓNG