Mới đây, vụ việc công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính đối với Đ.M.H (31 tuổi, quê tại Hải Phòng) vì có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn một nữ sinh trong thang máy một chung cư ở Hà Nội với mức phạt 200.000 đồng, khiến dư luận liên tục đưa ra những tranh cãi trái chiều.
Thậm chí, vụ việc còn xuất hiện trên báo chí và dư luận quốc tế. Chỉ cần gõ cụm từ “sàm sỡ trong thang máy ở Việt Nam...” bằng tiếng Anh trên google thì sẽ có hàng trăm nghìn kết quả liên quan trả về.
Trang Dispatch đưa tin cụ thể về vụ việc và nhấn mạnh rằng thủ phạm chỉ bị phạt 200.000 đồng (tương đương 10.000 won), một số tiền quá nhỏ so với những gì người này đã gây ra cho nữ sinh.
Cụ thể, Dailymail.co.uk dẫn lại bài viết của AFP với nội dung người dân Việt Nam đang vô cùng bất bình sau khi một người đàn ông chỉ bị phạt 200 nghìn đồng, tương đương 8,41 đô la vì cưỡng hôn một cô gái trẻ trong thang máy ở khu chung cư.
Trong khi đó, một nhân viên văn phòng tên Nguyễn Trang nói với AFP rằng: "Thật nực cười, tôi không thể chấp nhận điều này ... Tôi lo lắng cho những đứa trẻ và bản thân mình".
Bên cạnh đó AFP viết, khác với hiếp dâm, tấn công tình dục thuộc phạm trù "lời nói và hành vi không đứng đắn" và mức phạt tối đa cho hành vi này là 13 USD.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) là một trong những người hoan nghênh sự phản đối của công chúng sau vụ tấn công thang máy. "Phản ứng là một dấu hiệu tốt, xã hội đã thể hiện sự ủng hộ với những người can đảm lên tiếng", bà Hồng nói với AFP.
Cách đây 2 năm, người mẫu kiêm diễn viên Vũ Thu Phương cho biết cô đã bị nhà sản xuất Hollywood Harvey Weinstein quấy rối, nhưng câu chuyện của cô đã thất bại trong việc khơi dậy một phong trào #MeToo rộng hơn ở những nơi khác của châu Á, bao gồm cả ở Trung Quốc và Hàn Quốc.