Tại phiên phúc thẩm hôm qua, TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại từ đầu vụ án “quan tài diễu phố”, vì cấp sơ thẩm đã có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Xin giảm tội vì…“giết người lần đầu”
Trong phần xét hỏi buổi sáng, hầu hết các bị cáo đều phản cung. Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn (tức Tuấn trọc, SN 1992, ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) trình bày: “Do bị cáo mới giết người lần đầu nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”. Lập tức, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Hà Tiến Triển, nói: “Bị cáo giết người lần đầu là vi phạm pháp luật nên bị pháp luật xử lý nghiêm, chứ không phải bị cáo phạm tội lần đầu mà giảm tội cho bị cáo”.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Bình (tức Bình “cong”, SN 1997, ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) khai: “Lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra là do cán bộ điều tra bắt ghi như vậy”. Bị cáo Bình xin giảm nhẹ hình phạt vì bị bệnh đái tháo đường, bố mẹ già yếu.
Bị cáo Nguyễn Văn Tình (SN 1988, ở Hải Phòng) cũng phản cung, khai chỉ chạy theo nhằm mục đích can mọi người đừng đánh Tuấn Anh. “Lúc bị cáo chạy ra, không thấy anh Tuấn Anh đâu nữa cả. Bị cáo cũng không được đối chất với các bị cáo khác” - Tình cho biết .Theo Tình, do bị các cán bộ điều tra đánh đập, mớm cung nên anh ta mới nhận tội.
Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn thừa nhận là người trực tiếp đạp Tuấn Anh xuống kênh. “Khi đạp anh Tuấn Anh xuống nước thì thấy nạn nhân chìm luôn. Bị cáo nghĩ anh Tuấn Anh chỉ lặn trốn đi chỗ khác chứ không chết. Bị cáo có dùng dao chém với theo nhưng không trúng, sau đó bị cáo vứt con dao xuống kênh rồi quay về” - Tuấn khai.
Vi phạm nghiêm trọng
Tại phiên xét xử buổi chiều, điều bất ngờ xảy ra khi vị đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa Lê Hồng Tuấn công bố, rất nhiều bút lục điều tra vi phạm tố tụng như bị tẩy xóa; bản khai nhân chứng và những người liên quan không có xác nhận của điều tra viên; nhiều bản tự khai của các bị cáo được sao chép lại; quá trình xét xử, nhiều bị cáo cũng tố bị mớm cung, ép khai.
Luật sư Lê Thị Oanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại, cũng cho rằng Viện KSND Vĩnh Phúc không phân công, không có quyết định cử kiểm sát viên tham gia điều tra vụ án nên tất cả các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra như công tác giám định, lấy lời khai bị can, nhân chứng, khám nghiệm hiện trường... đều không có giá trị.
Theo bà Oanh, kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án không đúng chức vụ, quyền hạn. Cụ thể, tại bút lục số 38 đến 47 ghi 3 kiểm sát viên đều không có quyết định phân công kiểm sát vụ án, họ cũng không phải là Viện trưởng hay Phó viện trưởng Viện KSND Vĩnh Phúc. Việc lập lý lịch căn cước của nhiều bị cáo cũng không chính xác...
Luật sư Oanh cũng cho rằng, việc trưng cầu giám định pháp y không khách quan, không đúng quy định, sử dụng kết quả giám định không phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án; số lượng mẫu thu và mẫu gửi đi giám định không thống nhất, mẫu gửi đi nhiều hơn mẫu thu; việc xác định nồng độ cồn trong máu của Nguyễn Tuấn Anh không chính xác... Việc cơ quan điều tra không dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra trong khi chứng cứ khác của vụ án chưa chắc chắn khiến cho việc điều tra thiếu khách quan, đầy đủ... Việc lấy lời khai có biểu hiện không khách quan.
Các luật sư bảo vệ bị cáo cũng thống nhất đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Đến 15h30 cùng ngày, HĐXX kết luận, sai phạm của các cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, mà cấp phúc thẩm không có điều kiện làm rõ tại tòa. Do vậy, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc điều tra lại.
Theo đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa, rất nhiều bút lục điều tra vi phạm tố tụng như bị tẩy xóa; bản khai nhân chứng và những người liên quan không có xác nhận của điều tra viên; nhiều bản tự khai của các bị cáo được sao chép lại...