“Tuồn” dầu ăn không rõ nguồn gốc vào bếp ăn của học sinh?
Theo kết quả biên bản kiểm tra suất ăn tại Trường tiểu học Đức Thắng, quận Bắc Từ liêm vào hồi 10 giờ ngày 22/11 tại trường, có đại diện 3 bên gồm bà Nguyễn Thị Hiền Trang, cán bộ y tế trường, 3 thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp 1 và đại diện Cty TNHH MTV Đạt Ngân Phát là người quản lý bếp ăn ghi rõ: “Bảng công khai tài chính của trường không ghi bất cứ thông tin nào”; “canh bí lèo tèo vài sợi bí nạo”; “dầu ăn, gia vị chưa xuất trình được hoá đơn”.
Trả lời Tiền phong, một phụ huynh của trường cho biết, ngày 22/11 khi vào kiểm tra bếp ăn của trường cho thấy, bếp mới được xây rộng rãi, thoáng mát nhưng nhiều túi dầu ăn đóng bịch không nhãn mác xếp thùng để ở góc bếp. Ở một góc khác, những túi dầu ăn này đã được đổ ra chai nước loại 5 lít để sử dụng. Thấy có sự bất thường, phụ huynh đã chất vấn đại diện nhà trường nhưng trường không xuất được hoá đơn. “Chúng tôi nghi ngờ nhà trường “tuồn” dầu ăn không nhãn mác với giá rẻ vào sử dụng cho học sinh. Đây là điều không thể chấp nhận được.”, phụ huynh này nói,
Một số phụ huynh khác cho rằng, hiện nay trên các diễn đàn lớp, phụ huynh rất bức xúc, mong muốn nhà trường phải làm rõ chất lượng bữa ăn của học sinh bao gồm: Nguồn gốc thực phẩm, 25.000 đồng/ suất ăn được nhà trường chi thế nào mà bữa ăn của các con đạm bạc như vậy.
Hiệu trưởng nói gì?
Bà Trần Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Thắng
Trao đổi với Tiền phong, sáng 25/8, bà Trần Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Thắng cho biết, sau thông tin phản hồi của phụ huynh bà rất buồn vì để sự việc xảy ra và sẽ rút kinh nghiệm cho các bữa ăn sau. Tuy nhiên, hiệu trưởng trưởng này quanh co, từ chối hoặc hẹn “sẽ trả lời sau” nhiều câu hỏi của PV liên quan đến quy trình bữa ăn, ai là người quyết định định lượng thực phẩm hàng ngày của học sinh ở trường học…?
Về dầu ăn, bà Phượng lý giải, bếp ăn mua 2 thùng dầu đóng bịch của một nhãn hàng ở siêu thị từ ngày 14/11, sau đó về chiết ra từng chai nước để tiện sử dụng. Tuy nhiên, ngày 22/11 phụ huynh kiểm tra, người cầm phiếu “không tìm thấy hoá đơn”. Đến thời điểm này, nhà trường đã tìm thấy hoá đơn có thể cung cấp cho báo chí.
Theo bà Phượng, trường có 920 học sinh nhưng chỉ có hơn 700 em ăn bán trú. Nhà trường ký mua thực phẩm của cty cung ứng và thuê nhân viên bếp đến nấu ăn tại trường. Hàng ngày, sau khi giáo viên chốt số lượng học sinh ăn bán trú, nhân viên bếp sẽ nấu ăn theo số lượng thực phẩm đã mua.
Cũng theo bà Phượng, sau khi có thông tin phản ánh của phụ huynh về bữa ăn lèo tèo, trường đã mời UBND Phường, cơ quan y tế quận, đại diện phụ huynh, công đoàn nhà trường… rà soát lại quá trình, lên phương án để đảm bảo bữa ăn cho học sinh. Nhà trường không cấm phụ huynh vào trường giám sát bữa ăn của học sinh mà mong muốn, phụ huynh sẽ cùng nhà trường giám sát bữa ăn của học sinh chứ không tự ý vào trường.
Không trả lời về việc nhà trường đã chi 25.000 đồng/ suất ăn như thế nào trong bữa ăn của học sinh, hiệu trưởng trường này chỉ thừa nhận mức thu đó tương đồng với khá nhiều trường hiện nay. Bà Phượng cũng cho hay, đầu năm học đã tiếp nhận ý kiến phụ huynh xung quanh việc tổ chức bữa ăn cho học sinh chưa đảm bảo. Sau đó, trường đã họp, có điều chỉnh cho đến khi phụ huynh chụp các bữa ăn gần đây lên. “Chúng tôi sẽ sắp xếp lịch để mời phụ huynh đến trao đổi, phối hợp với nhà trường giám sát bếp ăn học sinh”, bà Phượng nói.
Bà Phượng cho hay, hiện ban giám hiệu mới chỉ có duy nhất hiệu trưởng, vì thế chỉ thi thoảng bà mới tham gia việc giao nhận thực phẩm, giám sát bếp ăn. Còn lại giao cho nhân viên y tế, thanh tra, công đoàn… “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ bếp ăn, yêu cầu phải có phần mềm định lượng thực phẩm cho học sinh”, bà Phượng nói.
Đại diện phòng GD&ĐT Quận Bắc Từ Liêm cho biết, phòng đã xuống trường kiểm tra và chỉ đạo trường rà soát lại quy trình tổ chức, chế biến suất ăn đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch. Rà soát lại các vị trí giao nhận, chế biến thực phẩm hàng ngày. Theo biên bản kiểm tra giao nhận thực phẩm, hoá đơn lưu lại thì số tiền chi mua thực phẩm phù hợp tuy nhiên phòng chỉ đạo nhà trường hạn chế dùng thực phẩm đông lạnh như cá viên chế biến cho học sinh. Theo báo cáo, mỗi tháng trường dùng thực phẩm đông lạnh khoảng 2 bữa.
Cũng theo đại diện phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, các trường phổ thông sẽ đăng ký sử dụng phần mềm định lượng thực phẩm do Sở, Bộ cung cấp nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, trường này chưa dùng phần mềm này nên tự tính bằng máy tính. Ngoài ra, nhân viên bếp chia đồ ăn cho học sinh cũng sẽ có sự chênh lệch.