Thực phẩm bẩn lọt vào bữa ăn của trẻ: Cần truy trách nhiệm các đơn vị liên quan

TP - Theo các chuyên gia, cán bộ quản lý, việc để thực phẩm bẩn lọt vào bữa ăn của trẻ trước hết là do sự thiếu trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường, đó cũng là hành vi gián tiếp gây họa cho trẻ nên cần phải xử lý nghiêm.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là địa phương có lượng trường học lớn tổ chức ăn bán trú dưới hai hình thức là nhập thực phẩm về nấu ăn và mua suất ăn công nghiệp. Do đó, Sở thường xuyên ra văn bản yêu cầu các nhà trường chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm đồng thời có nhiều đợt kiểm tra, giám sát.

Theo ông Tiến, khi kiểm tra, đơn vị tập trung vào quy trình giao nhận có đúng theo quy định hay không, bởi đây là khâu rất quan trọng có thể phát hiện kịp thời thực phẩm có vấn đề hay không. Theo đó, việc giao nhận thực phẩm đầu giờ sáng bao giờ cũng yêu cầu phải đủ các thành phần gồm: Ban giám hiệu, y tế, đại diện hội phụ huynh. Ngoài ra, các khâu như: lưu mẫu thức ăn, hồ sơ các đơn vị cung cấp thực phẩm, hoá đơn mua thực phẩm hàng ngày…

TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT), cho rằng để thực phẩm bẩn vào trường học như ở Thuận Thành (Bắc Ninh) phía nhà cung cấp làm ăn bậy bạ đã đành, còn có tính thiếu trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường. Thực phẩm bị nhiễm sán, theo khuyến cáo bằng mắt thường cũng có thể phát hiện ra, vậy mà từ hiệu trưởng đến cán bộ phòng y tế vẫn cho tiếp nhận để chế biến cho trẻ là điều không thể chấp nhận được. 

Ông Anh cho biết, Bộ GD&ĐT cũng như Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình kiểm soát, giám sát thực phẩm vào trường học một cách chặt chẽ. Trong đó, nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bữa ăn bán trú của học sinh. “Vì bất kỳ lý do gì các trường cũng phải đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của học sinh”, TS Ngũ Duy Anh nói. 

Hiện nay, số lượng trường học thực hiện tổ chức bữa ăn bán trú rất lớn. Hàng năm Bộ GD&ĐT cũng có kế hoạch thanh kiểm tra, tuy nhiên các trường ở địa phương đã thực hiện phân cấp quản lý, do đó việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm các địa phương có kế hoạch thực hiện.

TS Ngũ Duy Anh cũng cho rằng, sự việc xảy ra khiến hàng trăm trẻ có kết quả dương tính với sán lợn là rất đáng tiếc. Ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã yêu cầu Sở GD&ĐT Bắc Ninh báo cáo, đến nay đơn vị đã nhận được báo cáo sơ bộ ban đầu để nắm tình hình. Tới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ có báo cáo cụ thể. Trước mắt, Sở y tế địa phương phối hợp các đơn vị kiểm tra sức khoẻ cho học sinh. Sau đó, sẽ nghiêm khắc xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra sự việc.

Cần truy trách nhiệm các đơn vị liên quan

 Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng, việc nhà trường vì lý do gì đó chọn thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc cho trẻ ăn chính là hành vi gián tiếp gây tội ác.

Theo ông An, sự việc xảy ra từ tháng 2 nhưng đến nay, phụ huynh phải tự đưa con em mình lên bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ cho thấy hành vi vô cảm, vô trách nhiệm của các đơn vị quản lý liên quan tại địa phương.

Theo bác sĩ An, đáng lẽ, khi sự việc mới được phát hiện ở Trường mầm non Thanh Khương các cơ quan chức năng của địa phương phải vào cuộc ngay, yêu cầu đơn vị cung ứng thực phẩm có trách nhiệm đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe. Ở đây, sau cả tháng trời để phụ huynh phải tự đưa con đi khám và kết quả như vậy cơ quan chức năng mới vào cuộc là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm với trẻ. 

MỚI - NÓNG