Truy lùng, tiêu hủy thịt thối
Rạng sáng 23/1, Đội 10 phụ trách Chợ đầu mối Bình Điền, thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM bất ngờ kiểm tra một xe tải chở heo đưa vào chợ đầu mối Bình Điền. Đội đã phát hiện 1 con heo chết trước khi giết mổ được độn vào lô hàng. Chủ lô hàng khai heo xuất phát từ Long An. Con heo này có trọng lượng 87 kg với các biểu hiện: thịt nhạt màu, rỉ dịch, xung - xuất huyết, mỡ đỏ đang trong quá trình phân hủy và có mùi hôi thối… được “ém” chung với những con heo đạt chất lượng khác. Chủ nhân của con heo này là ông Danh Xà Khánh. Ngay lập tức, Đội 10 đã lập biên bản, buộc tiêu hủy và xử phạt chủ hàng.
Tiếp đó, Đội phát hiện xe tải chở 12 con heo đã qua giết mổ tổng trọng lượng là 1.126 kg. Chủ hàng khai giết mổ tại Vĩnh Long, không nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ, các móng chân bong tróc với biểu hiện lở mồm long móng. Lô heo này ngay lập tức bị lập biên bản mang đem đi tiêu hủy. Trước đó, ngày 18/1, Đội 10 phát hiện xe tải mang biển số 51C-30322 do ông Võ Thành Tín làm chủ, chở 912 kg heo đã giết mổ nhưng không có nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ, các móng chân bong tróc với biểu hiện lở mồm long móng.
Cũng trong tháng 1/2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM phát hiện 60 con heo sống được vận chuyển từ tỉnh Đồng Nai có biểu hiện lở mồm long móng, được đưa vào Trung tâm Tân Bình chuẩn bị giết mổ. Nếu trót lọt, toàn bộ số thịt heo này sẽ được phân phối về các chợ truyền thống của thành phố để tiêu thụ. Sau đó cơ quan chức năng còn phát hiện 1 tiểu thương đưa gần 1 tấn heo bị lở mồm long móng đã làm sẵn vào chợ đầu mối Bình Điền chuẩn bị tung ra thị trường.
Gần cả tháng nằm vùng, lực lượng chức năng đã phá được cơ sở chuyên ngâm thực phẩm như sách bò, lòng bò… đã bốc mùi hôi thối vào vôi xây dựng để tẩy trắng, trước khi cung cấp cho các hàng ăn nấu lẩu. Bà Nguyễn Thị Xuân, chủ cơ sở cũng là người trực tiếp ngâm trộn hóa chất vào thực phẩm cho biết, nguồn hàng do bà lấy của người tên Vũ Ngọc và một số người khác nữa ở Gò Dầu. Đầu bò sau khi luộc, được bán 30.000 đồng/kg, sách bò làm trắng được bán 50.000 đồng/kg. “Tôi làm trắng là do khách họ yêu cầu vậy, vì thấy màu đen khách không dám ăn” - bà này nói. Bà Xuân cũng không trưng ra được bất cứ giấy tờ liên quan đến số hàng đang có tại thời điểm kiểm tra.
Sau nhiều lần “xuyên đêm” cùng đoàn kiểm tra ATTP của cơ quan chức năng, mới thấy nhiều mánh khóe của những người làm ăn bất chính, trà trộn thực phẩm bẩn nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Trong đó nhiều nhất là vòng truy xuất đeo sau chân heo không được lò mổ kích hoạt khi nhập chợ, đơn vị kiểm tra không truy xuất được thông tin. Đáng nói hơn, để giấu bệnh lở mồm long móng, nhiều người còn chặt hết chân heo để cơ quan chức năng khó phát hiện được.
“Soi” tận gốc
Để đảm bảo thực phẩm trước khi nhập chợ, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, chợ có 2 mặt hàng rất được quan tâm là trái cây và rau củ quả. Đối với trái cây ngoại có kiểm tra đầu vào, có đầy đủ giấy tờ, chứng từ mới được xuống hàng để bốc xếp vào kho. Phần lớn trái cây ngoại ở chợ đều từ Trung Quốc, chợ có khu vực riêng cho loại trái cây này. “Công ty đã thành lập riêng tổ quản lý ATTP, hàng đêm đều lấy mẫu trái cây, rau củ quả để kiểm tra nhưng không đại trà. Những thực phẩm có nguy cơ cao, gây mất kiểm soát ATTP như sả xay, bắp chuối, ớt xay… có thể bị pha hóa chất độc hại để đẹp hơn” - ông Nhu nói.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cam kết: “Chúng tôi đảm bảo 100% thịt vào chợ đều được kiểm tra kỹ hóa đơn chứng từ đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, khi có nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo, chúng tôi lấy mẫu test nhanh và nếu mẫu test không đảm bảo sẽ lập tức giữ hàng, không cho tiêu thụ ra thị trường”. Tương tự, đại diện chợ đầu mối Bình Điền cũng thông tin, đa số các mặt hàng kinh doanh trong chợ đều được thường xuyên lấy mẫu đi kiểm định. Hầu hết đều an toàn nằm trong giới hạn cho phép.
Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho biết, TPHCM hiện có 12 cơ sở giết mổ, trong đó có 11 cơ sở giết mổ gia súc. Dự kiến, lượng giết mổ sẽ tăng trên 60% so với bình thường vào các ngày từ 26-29 tháng Chạp. Chi cục đã lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh ATTP Tết.
Theo ông Đoàn Văn Nhứt, đội trưởng Đội 10 Ban quản lý ATTP TPHCM, chợ tự phát không kiểm tra chất lượng hàng hóa buôn bán quanh khu vực chợ đầu mối đang là vấn nạn nhiều năm qua. “Việc dọn dẹp buôn bán chui trên sân chợ đã thực hiện 10 năm nay nhưng rất khó khăn, liên tục vấp phải sự phản kháng do các đối tượng rất manh động. Khi biết có kiểm tra, họ dọn đi hết; nhưng khi đoàn đi qua thì tình hình đâu lại vào đó. Chợ Bình Điền rất phức tạp, đối tượng nghiện ma túy, tội phạm trốn nã, trộm cắp, buôn lậu đều có”, ông A Sìn, Phó giám đốc công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền nhìn nhận.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM nói: “Với trách nhiệm của mình, Ban quản lý ATTP TPHCM tăng cường kiểm tra rau, củ quả, thịt, tôm, cá… từ các tỉnh đưa vào các chợ đầu mối và những cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Ban cũng chú ý tới những mặt hàng thực phẩm nhập khẩu và kiểm tra kỹ giấy tờ, hồ sơ nguồn gốc”.
Theo ông Đoàn Văn Nhứt, đội trưởng Đội 10 Ban quản lý ATTP TPHCM, khó khăn hiện nay là công tác xử lý lấy mẫu, khi phát hiện một lô hàng nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm 7 ngày sau mới có kết quả. Trong thời gian đó, Đội không dám giữ lại lô hàng mà vẫn để tiểu thương buôn bán bình thường, nếu dương tính thì lô hàng đó đã bị đem bán. Luật đã quy định vậy rồi nên phải chấp nhận!
Heo bệnh vẫn được cấp giấy chứng nhận
Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, tháng trước tại chợ đã phát hiện 20 con lở mồm long móng và tất cả buộc phải đưa đi tiêu hủy. Lô heo này có nguồn gốc từ tỉnh Long An. Tuy nhiên, dù bị bệnh nhưng lô heo này vẫn được cấp đầy đủ giấy tờ, trong đó có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y của tỉnh Long An (?!).