Vụ phóng uế vào tác phẩm nghệ thuật: Hồ Gươm có cần 'Tháp'?

Tác phẩm “Tháp” trước khi bị tháo dỡ
Tác phẩm “Tháp” trước khi bị tháo dỡ
TP - “Chúng ta xót xa cho nhóm nghệ sĩ, chúng ta nổi giận với ý thức của người dân, nhưng cũng phải nghiêm túc nhìn lại, liệu Hồ Gươm có cần những tác phẩm như vậy hay không”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam) thẳng thắn bày tỏ.

Những ngày này, sự việc tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ở Hồ Gươm bị người dân phóng uế bừa bãi đang gây xôn xao dư luận. Tác phẩm mang tên “Tháp” rộng khoảng 15 m2 là một mô hình tháp được ráp bằng các tấm nhựa nhiều màu sắc trên khung sắt sơn đen. Tác phẩm này mô phỏng hình tượng các tháp xung quanh Hồ Gươm theo hình dáng hiện đại và cách phối màu của các họa sĩ ở châu Âu. Với kết cấu mê cung bên trong, công chúng có thể đi vào khám phá tác phẩm.

Theo chia sẻ của ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thì đây là một trong 6 tác phẩm nằm trong cụm công trình một nhóm nghệ sĩ tặng Hà Nội để trưng bày dọc bờ hồ Hoàn Kiếm nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô.

Tuy nhiên, sau một thời gian được trưng bày bên bờ Hồ Gươm, một bộ phận người dân đã liên tục phóng uế bên trong "Tháp" khiến tác phẩm này bốc mùi hôi thối, gây khó chịu cho những người tham qua, thậm chí là chỉ đi ngang qua. Nhiều người dân và du khách chỉ mới bước vào bên trong đã phải vội chạy ra ngoài.

Trước sự việc này, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: “Tôi thực sự chia sẻ với nhóm hoạ sĩ. Nhưng với ý kiến cá nhân thì tôi thấy tác phẩm “Tháp” lần này dường như không ăn nhập với không gian cổ kính của Hồ Gươm.

Theo tôi, Hồ Gươm chỉ cần cây xanh lòng hồ là đủ, phần vỉa hè cần được dọn dẹp thông thoáng để người dân có thể đi bộ ngắm cảnh. Dù chỉ một tác phẩm đặt vào không gian ấy cũng cần tính toán kỹ bởi Hồ Gươm là không gian đặc biệt. Nếu cần, nên tổ chức cuộc thi để lựa chọn tác phẩm trưng bày quanh Hồ Gươm, với sự tham vấn của chuyên gia và sự đồng thuận của người dân. Đừng mang ra đó những đơn đặt hàng mang tính cá nhân”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cảnh báo, nếu không cân nhắc kỹ, những tác phẩm nghệ thuật dễ dãi sẽ làm hỏng vẻ đẹp của Hà Nội với không gian văn hoá đặc trưng. “Giới chuyên môn đã lên tiếng nhiều lần rồi nhưng dường như các cơ quan quản lý vẫn để ngoài tai. Chúng ta đã học được bao nhiêu bài học xung quanh việc trang trí Hồ Gươm rồi.

Cách đây không lâu, ngay ở Hồ Gươm cũng phải dọn dẹp một số tác phẩm điêu khắc mang tư duy cũ từ thập niên 50, 60 của thế kỷ trước như quả địa cầu, trang sách mở kỷ niệm 1000 năm Thăng Long…. Tôi cho rằng, việc này là lỗi từ quan niệm của người quản lý văn hóa trong việc ra đầu bài cho nghệ sĩ. Về phía mình, người nghệ sĩ cũng chưa ý thức được là mình đang phải đối diện với giá trị của di sản ở một thành phố giàu ký ức. Đó là sáng tác của nghệ sĩ, nhưng khi mang ra không gian công cộng thì không còn là của riêng tác giả nữa”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn thẳng thắn.

Đồng quan điểm với ông, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam) cũng nhận định Hồ Gươm là một không gian nhạy cảm, không nên tuỳ tiện bày các tác phẩm sắp đặt.

“Một không gian chật chội, người đi lại đông đúc, đến hoa trồng còn chẳng sống được thì sao đủ không gian để bày tác phẩm nghệ thuật. Ngày xưa, chúng tôi cũng từng thử nghiệm làm một số tượng bé đặt quanh hồ nhưng cuối cùng rút ra một điều, ở Hồ Gươm không nên bày gì cả. Sau này, Sở Văn hoá cũng có mời làm cái này cái kia ở đây nhưng chúng tôi thấy không phù hợp và từ chối”, ông chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, một tác phẩm nghệ thuật thiết kế như thế nào, đặt ở đâu, môi trường xung quanh có phù hợp không, dành cho đối tượng nào… là những yếu tố mà nghệ sĩ cần quan tâm trước khi sáng tác, “Tác phẩm mang thông điệp hay, dụng ý tốt nhưng nếu lạ quá, khó hiểu quá thì cũng không đến được với công chúng. Tất nhiên, tôi cũng thông cảm với anh em nghệ sĩ. Họ cũng có cái khó của mình. Đôi khi họ muốn bứt phá, muốn vượt ra khỏi lối mòn, mang hơi thở nghệ thuật thế giới về Việt Nam nhưng khả năng thưởng thức của công chúng vẫn còn có hạn nên đôi khi tác phẩm trở nên cô đơn, lạc lõng và tâm huyết của nghệ sĩ bị phí hoài”.

Ngày 30/10 vừa qua, lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm và nhóm nghệ sĩ đã quyết định dỡ bỏ tác phẩm “Tháp”. 5 công trình còn lại vẫn được giữ nguyên dọc bờ hồ Hoàn Kiếm.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.