Vụ máy bay Su 22 rơi: Phi công chưa kịp nhảy dù

Tàu kiểm ngư 782 và các tàu khác trong đội hình tìm kiếm máy bay Su 22
Tàu kiểm ngư 782 và các tàu khác trong đội hình tìm kiếm máy bay Su 22
TP - Thông tin mới nhất từ những người có trách nhiệm chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, chiều 20/4, các lực lượng tìm kiếm vớt được một bộ phận được cho là ghế dù phi công và có khả năng phi công chưa kịp nhảy dù.

Phát hiện ghế phi công

Ngày 20/4, Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh, phó tổng tham mưu trưởng đang chỉ đạo các đơn vị tìm kiếm cứu nạn vụ 2 máy bay  Su 22 rơi tại vùng biển Bình Thuận thông tin với báo chí, hôm nay lực lượng tìm kiếm còn có sự tham gia của công ty thiết bị Tân Cảng với thợ lặn và thiết bị dò tìm. 

Cùng với đặc công người nhái, thợ lặn trục vớt được 1 số mảnh vỡ gồm: ống dẫn khí, 1 phần cánh… Đến chiều 20/4, tiếp tục vớt được 1 bộ phận được cho là ghế dù phi công, phát hiện 2 viên đạn phóng đầu dù đã làm việc, dù chính phi công tuột khỏi áo dù.

Đến 16h30, tàu 884 một vật thể hình tròn dài 1,4m, rộng 1m nằm dưới độ sâu 24m và ngay sau đó sở chỉ huy đã sử dụng rôbốt để xác minh vật thể. Bước sang ngày tìm kiếm thứ 5, vị trí 2 phi công vẫn chưa được xác định cụ thể.

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; cho biết sau 5 ngày tìm kiếm mới chỉ xác định tương đối vị trí của 2 máy bay và 1 số mảnh vỡ, 2 phi công vẫn chưa tìm được. Theo diễn biến sự việc thì khả năng 2 phi công sống sót là không còn. Bộ quốc phòng sẽ tiếp tục tập trung lực lượng với khả năng cao nhất tiếp tục tìm kiếm những thứ liên quan đến 2 phi công và tiếp tục tìm những mảnh vỡ, hộp đen của 2 máy bay để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Trung tướng Tuấn cũng cho rằng qua phát hiện mảnh vỡ ghế phi công  cho thấy  dù chưa bắn ra, rớt xuống nước mới vỡ.

Tính đến phương án tìm kiếm khác

Sáng 20/4, tàu BP 11-19-01 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trạm Biên phòng cảng cửa khẩu Phú Quý đã đưa ngư dân Nguyễn Phùng (70 tuổi, là nhân chứng thấy máy bay Su 22 rơi) ra vùng biển gần khu vực Hòn Trứng để xác định lại các vị trí ông Phùng thấy máy bay rơi.

Ông Nguyễn Nhu, một ngư dân ở xã Ngũ Phụng (Phú Quý) có kinh nghiệm về vùng biển Phú Quý nhận định hôm máy bay rơi, dòng hải lưu chảy xiết nên rất có thể máy bay rơi xuống nước vỡ ra nhiều mảnh và bị phân tán ra diện rộng. Điều này phù hợp với thực tế khi một số mảnh vỡ nhỏ của máy bay đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ vớt lên từ nhiều vị trí trong những ngày qua.

Nhận định về tọa độ máy bay rơi và lên phương án trục vớt trong thời sớm nhất, trong hai ngày qua bộ chỉ huy tìm kiếm cứu nạn máy bay Su 22 đã đặt trung tâm chỉ huy ngay trên tàu kiểm ngư 721 để trực tiếp điều hành các lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời điều thêm tàu chuyên dụng tìm kiếm, tàu vận tải. Tuy nhiên sau 5 ngày tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả cao. 

Đến cuối ngày 20/4, đại diện Sư đoàn Không quân 370 cho phóng viên Tiền Phong biết, vẫn chưa xác định được chính xác vị trí hai chiếc Su 22M4 chìm dưới đáy biển. Mặc dù trước đó lực lượng đặc công nước của Lữ đoàn đặc công số 5 đã lặn, trục vớt được một số mảnh vỡ máy bay, trong đó có mảnh vỡ cánh máy bay và mảnh buồng lái nghi là thuộc chiếc Su 22M4 số hiệu 5863 do đại uý phi công Nguyễn Anh Tú điều khiển.

Các mảnh vỡ tìm thấy chỉ cho biết khu vực máy bay bị nạn chứ không cho biết vị trí máy bay rơi. Lý do là tiêm kích bom Su 22M4 có tốc độ bay rất cao, trên mức âm thanh, khi va chạm mạnh có thể khiến máy bay văng ra ở khoảng cách rất xa, khó xác định chính xác vị trí. Bên cạnh đó, vụ tai nạn xảy ra tại khu vực biển có độ sâu hơn 30m, luồng hải lưu chảy ngầm dưới biển khá mạnh, có thể làm thay đổi, dịch chuyển vị trí xác máy bay.

Các mảnh vỡ máy bay được đưa thẳng lên tàu kiểm ngư, nơi đặt tổng hành dinh lực lượng tìm kiếm do đích thân Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân chỉ huy. Công việc tìm kiếm vẫn đang được khẩn trương thực hiện với sự tham gia của các lực lượng không quân, hải quân, biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển và đặc công nước.

Một sĩ quan cấp cao trong bộ chỉ huy tìm kiếm máy bay Su 22 nói, tọa độ máy bay rơi đã được xác định. Các phương tiện chuyên dụng đã được đưa vào. Tuy nhiên cho đến nay chỉ vớt được một số mảnh vỡ. Máy bay, phi công vẫn chưa tìm thấy. Tình hình này, có thể sẽ phải tính đến phương án tìm kiếm khác.

Tai nạn rơi máy bay trên biển thường khiến công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Nhiều phi công Trung đoàn Không quân 937 vẫn nhớ vụ tai nạn máy bay thảm khốc vào năm 2007 khi một chiếc Su 22M4 của trung đoàn đã đâm xuống biển khu vực Cà Ná, Ninh Thuận, cách bờ khoảng vài chục mét, tuy nhiên phải mất hàng tháng trời mới tìm thấy và trục vớt được máy bay lẫn phi công bị nạn.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.