Luồng gió đổi mới khi ấy khởi đầu bằng Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu lộng thổi. Luồng gió ấy dường như đã mang sinh khí ngay tại kỳ họp thứ 3 QH khóa 8 vào tháng 6 năm 1988.
Một việc quan trọng là QH bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng bây giờ) mới thay thế đồng chí Phạm Hùng mới mất. Theo quy định của Hiến pháp 1980, Hội đồng Nhà nước giới thiệu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để QH bầu. Việc giới thiệu của Hội đồng Nhà nước là trên cơ sở kết quả thảo luận và biểu quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Và khi ấy Ban chấp hành Trung ương Đảng đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười để QH bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Sau khi Hội đồng Nhà nước trình QH phương án trên, các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận.
Được Tòa báo cử theo dõi QH, tôi nhớ lại đó là những ngày ở các đoàn ĐBQH, một không khí thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi. Không những trong các buổi sinh hoạt tổ, đoàn mà ngay tại nơi ăn nghỉ của ĐBQH…
Như nhiều đồng nghiệp khác, tôi cố đeo bám ông Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Vũ Mão để có thêm thông tin.
Mặc dù ông khá kín nhưng chúng tôi cũng loáng thoáng biết được, nguyên do của những sự thảo luận sôi nổi ấy ở các đoàn, là nhiều đại biểu và đoàn ĐBQH đã giới thiệu thêm một ứng cử viên (ƯCV) để bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng! Rồi điều mang máng ấy rõ rệt hơn khi Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Vũ Mão dõng dạc trên toàn thể Hội trường, tất cả các đoàn đều giới thiệu đồng chí Đỗ Mười, nhưng đồng thời có tới 37 đoàn (trong tổng số 53 đoàn) giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt để QH bầu chức danh Chủ tịch HĐBT.
Tại cuộc họp giới thiệu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước để thảo luận vấn đề này khá căng. Đa số các thành viên nhất trí để hai ƯCV coi đây là một việc làm chưa có tiền lệ nhưng là động thái đổi mới tư duy, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động của QH.
Nhưng không phải tất cả đều thông! Ngay cả ƯCV Võ Văn Kiệt cũng phản ứng.
Không thể như thế được, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu anh Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Là một đảng viên lại còn là một Ủy viên Bộ Chính trị tôi phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Tôi chính thức đề nghị các anh báo cáo lại với QH rằng tôi rất cảm ơn và xin được rút tên không tham gia trong danh sách ƯCV Chủ tịch HĐBT (trích hồi ký Vũ Mão).
Chủ tịch nước Võ Chí Công đề nghị Chủ tịch QH Lê Quang Đạo và Chánh Văn phòng QH Vũ Mão lên báo cáo tình hình với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để bàn, cuối cùng đã nhất trí để hai ƯCV để QH bầu.
Đây là lần đầu tiên QH nước ta đưa ra 2 ƯCV để QH bầu. Kết quả đồng chí Đỗ Mười được 63% số phiếu bầu, đồng chí Võ Văn Kiệt được 37%.
Là Trưởng đoàn thư ký kỳ họp, ông Vũ Mão có trách nhiệm chỉ đạo tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH. Đó là việc bình thường! Nhưng khi ấy nhiều ý kiến và dư luận cho rằng, chính từ đề xuất… táo bạo này của ông Vũ Mão mà Bộ Chính trị khi đó đã tiếp thu và đồng ý giới thiệu thêm ông Kiệt để 2 chọn 1?
Có những tâm tư, có những băn khoăn, âu đó cũng là lẽ thường tình. Và mọi sự cũng đã qua. Quốc hội khóa VIII đã hoàn thành trọng trách của mình. Nó để lại dấu ấn khởi đầu Đổi mới. Nhất là đổi mới tư duy.
Tạo nên dấu ấn đổi mới dân chủ ấy, đến tận bây giờ, nếu không phải là ông Vũ Mão đề nghị với tư cách Chủ nhiệm Văn phòng QH, cơ quan tham mưu cho Quốc hội, nếu không phải nhân cách ấy, tính cách ấy, liệu ai sẽ mở lời?
Mà nữa, khi ấy anh Vũ Mão cũng mới chân ướt chân ráo từ Trung ương Đoàn sang nhận nhiệm vụ bên QH chứ không phải đã kỳ cựu? Những ý kiến tham mưu mang tính mở đường thường dễ tổn thương?
Nhiều những lo ngại dè chừng, nhưng ông Vũ Mão thời điểm đó lại thản nhiên bằng mấy vần thơ để… vịnh sự kiện hy hữu ấy.
Hai ứng cử viên vốn nổi danh/Lần đầu mới có cuộc đua tranh/Ngang tài ngang sức giàu tâm huyết/Vì nước vì dân tâm đức lành.
Cũng ngay từ kỳ họp ấy, có một sự đổi thay mang tính cách mạng.
Hằng bao năm rồi, để thông qua các bộ luật, các luật, các nghị quyết được thực hiện theo hình thức giơ tay biểu quyết. Hình thức này có nhiều bất tiện.
Chánh văn phòng QH Vũ Mão đã đề nghị lên Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị triển khai công nghệ “bấm nút” trong các kỳ họp Quốc hội.
Kể từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 1988, việc biểu quyết thông qua các văn bản pháp luật đã được thực hiện theo hình thức “bấm nút”.
Sang năm 1992, nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, công nghệ “bấm nút” được nâng cấp lên mức hiện đại hơn với 3 nút là tán thành, không tán thành và không biểu quyết.
Với 3 sự lựa chọn đó các đại biểu bày tỏ được thái độ của mình một cách rõ ràng hơn. Nhưng đã có một kỳ họp không thực hiện được!
Nguyên nhân có nhiều ĐBQH chưa nhất trí với việc có nút không biểu quyết vì cho rằng, đại biểu bấm nút không biểu quyết là người không có ý thức xây dựng, lập trường không vững vàng.
Nhưng ngay sau đó lãnh đạo QH thấy bấm nút không biểu quyết là thể hiện sự cân nhắc cẩn thận chứ không phải là vô ý thức, nên từ kỳ họp cuối năm 1992 cho đến nay đã giữ lại nút không biểu quyết (phiếu trắng).
Từ những đổi mới mang lại nhiều tiện ích ấy, ông Vũ Mão mạnh dạn đi tiếp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, mọi ý kiến phát biểu, chất vấn và trả lời chất vấn… đều phải được ghi lại.
Ngay từ đầu năm 1989, Văn phòng Quốc hội đã làm theo phương thức chia thành 3 công đoạn: Một là ghi âm vào băng. Hai là gỡ băng. Ba là gõ trên máy tính để ra văn bản.
Với việc làm này, có thể nói là Quốc hội đã đi trước rất nhiều so với các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Và rồi website Quốc hội với tên miền www.na.gov.vn được xây dựng năm 2000, rồi sau này là cổng thông tin của Quốc hội (www.quochoi.vn) cũng được xây dựng. Từ năm 2007, mỗi đại biểu ngoài việc được cấp 1 máy tính xách tay còn được cấp một địa chỉ email dùng riêng với tên miền @qh.gov.vn. Gõ những dòng này khi ông Vũ Mão - Người truyền lửa đã về cõi vĩnh hằng. Ngẫm, nhân cách ấy, tính cách ấy ắt sẽ góp những giá trị cho sự phát triển và tiến bộ.
Vĩnh biệt Anh! Người truyền lửa.
Chánh văn phòng QH Vũ Mão đã đề nghị lên Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị triển khai công nghệ “bấm nút” trong các kỳ họp Quốc hội.
Kể từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 1988, việc biểu quyết thông qua các văn bản pháp luật đã được thực hiện theo hình thức “bấm nút”.