Tôi đọc được những dòng này từ trên trang cá nhân của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người có gần 10 năm là thư ký riêng cho ông Vũ Mão.
…Trước Tết năm nay, tôi đã đến thăm Anh ở bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô. Anh bị nhiễm loại virus gây ra nhiều bệnh nguy hiểm có tên là EBV (Epstain-Barr Virus). Anh rất mệt và bị sốt triền miên…
Anh em ngồi nói chuyện với nhau một lúc thì tôi xin phép về để Anh còn nằm nghỉ. Tết Anh có được về nhà ăn Tết mấy ngày, rồi lại phải nhập viện trở lại. Cùng lúc đó, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khắp nơi, Anh bị cách ly hoàn toàn ở trong bệnh viện. Khi dịch bệnh được khống chế ở nước ta và mọi người được phép đến thăm Anh trở lại, thì Anh đã không còn khả năng nhận biết và chuyện trò với ai được nữa. Con virus quái ác đã đánh gục Anh. Người Anh kiên cường, dũng cảm của tôi lần này đã không giành phần thắng. Một sự thật phũ phàng và cay đắng biết bao!
Sáng 30/5/ 2020, vào hồi 1h39, Anh đã vĩnh viễn ra đi để lại biết bao thương tiếc cho những người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Quá vãng nhọc nhằn
Đó là buổi chiều một ngày cuối tháng 2/1980.
Lộ trình chuyến công tác đi Móng Cái của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo trên đường về dừng lại ở huyện Tiên Yên.
Đã quen với những cởi mở nhiều khi đến bất ngờ trong tính cách tướng Đặng Quốc Bảo với chức phận của phóng viên tháp tùng vì đã mấy lần đi công tác với ông, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi ông cho 2 phóng viên là anh Bùi Đức Huyên (Đài TNVN) và tôi được dự buổi làm việc từ đầu đến cuối của tướng Bảo với BCH Huyện ủy Tiên Yên.
Bí thư huyện ủy Tiên Yên, người tầm thước có nước da sáng mau mắn linh lợi tầm ngoài bốn mươi. Có thể là bầu không khí thân mật do tướng Bảo tạo ra, hoặc do tính cách, tác phong của người cầm trịch một huyện nên hiệu quả buổi làm việc khá mỹ mãn. Có cảm giác ông bí thư ít khi dùng những khái niệm và luôn có những dẫn chứng cụ thể sinh động thiết thực sự trao đổi đỡ khô cứng nặng nề. Có lúc ông còn thuận miệng dẫn ra vài câu văn vần về thực trạng này khác khiến phòng họp dậy lên tiếng cười vui.
Tôi hỏi nhỏ anh chánh văn phòng huyện ủy thì được biết thêm, bí thư cũng mới về Tiên Yên gần năm nay. Nắm tình hình khá vững và sâu sát.
Trên đường về, tướng Đặng Quốc Bảo lại bất ngờ với câu hỏi đánh độp hướng về phía hai phóng viên tháp tùng. Này, các cậu, đồng chí bí thư huyện ủy vừa nãy có xứng đáng là thủ lĩnh của Đoàn ta không?
Ngạc nhiên chẳng rõ thủ trưởng mình nói thật hay vui? Việc nhân sự đâu có buột ra dễ dàng như thế? Với lại chúng tôi biết gì mà nhận xét cái việc tày cỡ… triều đình! Mà không rõ tướng Bảo quen biết cái ông bí thư ấy lâu chưa mà trong câu chuyện thấy tướng Bảo dành cho kha khá thiện cảm?
Rồi chuyện cũng khơi vậy và để vậy. Nhưng cuối năm đó, tháng 11/1980, là thành viên Tiểu ban Báo chí của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV, tôi có lẽ là một trong những người đầu tiên tiếp nhận thông tin nhân sự mới của Ban Bí thư TƯ Đoàn. Vâng, một trong những gương mặt mới ấy là người gặp hồi đầu năm ở mặt trận Đông Bắc, đồng chí Vũ Mão, bí thư huyện ủy Tiên Yên.
Tại Đại hội, Vũ Mão được bầu vào Ban Chấp hành TƯ Đoàn và đề cử vào Ban Bí thư TƯ Đoàn phụ trách công tác tổ chức. Lại đồng thời là Bí thư Đảng ủy cơ quan TƯ Đoàn.
Đầu năm 1982, Đại hội Đảng V, đồng chí Vũ Mão được bầu làm UVTƯ Đảng và tháng 4 năm đó được Ban Bí thư TƯ Đoàn bầu làm Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn thay tướng Đặng Quốc Bảo được cử chức Trưởng ban Khoa giáo TƯ.
…Ngày đông tháng giá năm 1926 ấy, một người đàn bà dáng lam lũ bồng bế ba đứa con từ Nam Định lên Hà thành dạt vào khu lao động Lương Yên kiếm sống.
Trong số ba đứa trẻ ấy có cậu con trai khi ấy 9 tuổi tên là Vũ Viết Phú là bố đẻ của cậu bé Vũ Mão sau này.
Vợ chồng Vũ Viết Phú sinh hai cậu con trai trong gian khó túng bấn. Những ngày thiếu đói rài rạc. Trong những ngày túng quẫn ấy, họ đành cắn răng cho đi một người con trai. Những tưởng đứa ở lại có cơ hội điều kiện nuôi nấng. Nhưng đùng cái thằng bé đột ngột mất vì bạo bệnh. Bơ phờ hoảng loạn, họ tìm đến người bà con từng cưu mang đứa cho đi ấy. Hỏi ra mới biết, cậu bé đã bị thất lạc từ lâu.
Trong câu chuyện sau này, ông Vũ Mão vẫn xót xa khi kể lại chuyện cũ. Rằng ông đã bao lần làm cái việc tìm lại người anh ruột thịt bị mất tích tự những năm cơ hàn ấy. Nhưng hàng bao năm tuyệt nhiên chẳng có tin tức hồi âm gì.
Năm 1939 mới sinh cậu bé Vũ Mão. Tưởng rồi sẽ yên hàn sẽ lần hồi rau cháo qua ngày. Nhưng cái gia đình bé nhỏ ấy đã tan tác. Cha mẹ bỏ nhau. Cha lấy vợ kế. Cậu chỉ được gặp lại người mẹ ruột mãi sau ngày hòa bình năm 1954. Nhưng cũng thoáng chốc.
Ngày toàn quốc kháng chiến Hà Nội rùng rùng lửa đạn. Cậu bé Vũ Mão theo người mẹ kế ngược mạn Cầu Diễn lên Sơn Tây. Hai mẹ con dắt díu nhau ròng rã cuốc bộ ngược Tuyên Quang lên Việt Bắc để tìm đến cơ quan công binh xưởng nơi người bố làm việc.
Tạm yên hàn, cậu bé Vũ Mão sáng dạ, năm 10 tuổi được bố cho làm chân giúp việc ở cơ quan công binh xưởng. Được kỹ sư Trần Đại Nghĩa rất quý chỉ thị anh em rèn cặp thêm. Có thời gian kiêm cả chân liên lạc cho ông tổ ngành quân giới ấy. Mối quan hệ thân kính ấy giăng mắc mãi tận sau này. Ấn tượng với anh em công binh xưởng và vị chỉ huy công binh xưởng ấy là trong lần liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn, có tiết mục độc đáo là cậu bé Vũ Mão đã cùng cha, một thợ tiện có bàn tay vàng, cùng hát bài Bài ca quân giới được mọi người nồng nhiệt vỗ tay!
Năm 1950, một trang đời tiếp tục lật giở. Vũ Mão được cử đi học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. (Còn nữa)