Vũ Mão, người truyền lửa: Người em kết nghĩa của Bogachenko

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (bìa trái) và Tổng công trình sư Bogachenko (thứ 2 phải sang) trên công trình Thủy điện Hòa Bình
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (bìa trái) và Tổng công trình sư Bogachenko (thứ 2 phải sang) trên công trình Thủy điện Hòa Bình
TP - Thời thi công cao điểm trên công trường sông Đà có trên 1.200 chuyện gia kỹ thuật Xô Viết. Những người phụ trách ở đây phải bám chặt và có nhiều hình thức phối hợp, cộng tác, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm chuyên gia Liên Xô về kỹ thuật, quản lý để đội ngũ thợ trẻ xây dựng thủy điện Việt Nam chóng trưởng thành. Thủ lĩnh Công trường Thanh niên Cộng sản (TNCS) Vũ Mão luôn đau đáu với cái đích ấy!

Tổng công trình sư Bogachenko- Vũ Mão, hai người ấy gặp nhau ở điểm chung gì?

Nhiều, rất nhiều lần sau buổi giao ban thường là gay gắt ở công trường về tiến độ, chất lượng kỹ thuật và kỷ luật lao động, Bogachenko kéo Vũ Mão về nơi ở khu chuyên gia.

Thời gian đầu, có vẻ như ông tò mò về vị thủ lĩnh thanh niên Việt Nam mà chuyên môn lại rất gần với ông, thủy lợi thủy điện.

Biết truyền đạt thế nào, chọn phương pháp gì để lây lan chất nghề, chất lửa đang sục sôi âm ỉ với những người anh em Việt? Lại khoát hoạt giảng giải đại loại công trình thủy điện sông Đà có 4 nhiệm vụ chủ yếu là cắt lũ, phát điện, cấp nước và giao thông thủy cùng vô số những lợi ích khác? Rằng vấn đề kỹ thuật của công trình sông Đà khó khăn gian nan nhưng luôn tiềm ẩn những bí ẩn thú vị! Tỷ như sông Đà là dòng sông chảy xiết theo những khe núi hẹp. Sông Đà chuyên chở khối lượng nước ngang với Enisei của Nga. Để chứa đầy nước vào hồ của đập thủy điện trên lưu vực sông này phải cần tới mấy cơn lũ. Thế nhưng, để tích nước cho hồ chứa sông Đà chỉ cần một cơn lũ mà thôi.

Chỉ vậy  thôi sao?

Thợ kỹ thuật thủy điện Việt Nam không chỉ với động thái mắt chữ O mồm chữ A ngạc nhiên thán phục mà phải nhanh chóng làm quen từ cái nhỏ đến cái lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Tổng công trình sư Pavel Bogachenko vỗ vai Vũ Mão buông những lời chắc nịch như thách đố, như mệnh lệnh: Cuộc ngăn sông Đà và quy trình xây dựng Thủy điện Hòa Bình đã đang là một Viện hàn lâm khoa học, một Viện hàn lâm nghệ thuật đối với các chuyên gia xây dựng Việt Nam.

Bây giờ ngồi gõ những dòng này, những ngày này ngó lại, điểm lại tầm vóc quy mô chất lượng cùng tiến bộ kỹ thuật của các công trình thủy điện người Việt mình sau sông Đà, có cảm giác từ những ngày ngơ ngác sơ khai ấy, những chuyên gia Xô Viết trong đó có Bogachenko đã trang bị, truyền dạy chuẩn bị hành trang cho tương lai tươi sáng của ngành xây dựng thủy điện Việt Nam?

Vũ Mão, người truyền lửa: Người em kết nghĩa của Bogachenko ảnh 1 Công trình Thủy điện Hòa Bình

Nhưng thuở ấy tiến độ sông Đà đang những ngày gay go.

Trích ra đây cuộc đối thoại

Bogachenko.

- Đồng chí Vũ Mão chưa quan tâm đúng mức tới công trường, không thường xuyên có mặt trên công trường!

Vũ Mão.

- Đồng chí không thấy à? Tuần nào mà tôi chả có mặt giao ban? Trừ những trường hợp phải đi các địa phương vì tôi phải có trách nhiệm với phong trào thanh niên cả nước chứ?

- Tôi bất biết điều đó. Chỉ biết rằng tiến độ công trường rất ì ạch. Tôi muốn đồng chí hằng ngày phải có mặt để đôn đốc thanh niên. Lắm đêm đi công trường tôi phải lôi cổ thanh niên của đồng chí đang trốn vào chỗ kín mà ngủ!

- Đồng chí luôn nhớ không có việc của bên anh bên tôi. Đây là một công trường một mối quan tâm chung, một tập thể thống nhất...

- …

Ngó người đối thoại sắc mặt cứ nhẹ như không, chẳng biết là có cáu giận? Chất giọng Tổng công trình sư thoát nhẹ lại, đồng chí thông cảm nhé, tôi không chỉ phê bình đồng chí mà ông Đỗ Mười, trước đây là ông Phan Ngọc Tường bây giờ là ông Ngô Xuân Lộc, tôi cũng thẳng cánh như thế! Cũng chỉ vì công việc chung cả thôi mà!

Việc chung thì là như thế.

Dịp ấy tôi ngồi với anh Nghiệp, phiên dịch riêng của Bogachenko. Anh Nghiệp cười, trên công trường thì căng thẳng và có phần khách sáo nữa, vâng toàn là tavarits cùng ( đồng chí, ông) Nhưng chỗ khu chuyên gia thì tinh (mày, tao) thân mật.

Bao lần mái tóc cước bồng bềnh của Bogachenko đu đưa bên mái đầu có những lọn tóc trẻ trung của Vũ Mão. Ấy là họ đang song ca một ca khúc gì đó...

Và chả vắng những cốc vốt ca, dịp lễ lạt này khác…

Chài chãi với nhau suốt 4 năm 2 tháng đẩy nhanh tiến độ sông Đà. Tôi nhớ khoảng độ gần 2 năm thì diễn ra một sự kiện. Tổng công trình sư Pavel Bogachenko có một đề nghị. Có vẻ như hơi bất ngờ đường đột với người khác, nhưng Vũ Mão thấy hình như nó diễn ra như đương nhiên phải vậy. Đề nghị đó là được làm lễ kết nghĩa anh em với Vũ Mão!

Lễ kết nghĩa anh em Bogachenko - Vũ Mão diễn ra không phải âm thầm mà có sự chứng kiến xôm tụ ngay sau buổi giao ban công việc trên Công trình TNCS sông Đà. Có nhiều người sông Đà và cán bộ Đoàn có mặt. Anh Ngô Xuân Lộc, Tổng giám đốc, Trần Thọ Chữ, Đinh La Thăng…

Lần ấy ông Bogachenko ngồi với Vũ Mão, nhưng vẻ mệt mỏi, ủ rũ khó giấu.

- Không! Tao không ốm mà vợ tao đang ốm… Tít tắp tận Matxcơva… Mà tao lại chẳng giúp được gì… Bogachenko bộc bạch với người em Vũ Mão.

Nỗi buồn lo ấy ngấm sang ông em.

Một cuộc gặp gấp giữa Vũ Mão với ông Đỗ Mười. Nghe xong yêu cầu của ông Vũ Mão, là bằng cách nào đó phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho Tổng công trình sư Bogachenko để ông yên tâm phần nào phải chia lòng chia trí vì việc riêng để bám sát tiến độ công trình sông Đà. Ở Matxcơva, bà vợ ông lại đang bệnh tình phức tạp. Cách tốt nhất là nói với cụ Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) nên có thư cho ông Tikhonov (Nicolai Tikhonov khi ấy là Thủ tướng Liên Xô) giúp cho bà vợ Bogachenko được chữa trị ở một bệnh viện tốt nhất Matxcơva.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thốt lên “Gay nhỉ. Tớ sẽ gặp cụ Đồng”

Rất nhanh yêu cầu của ông Vũ Mão được đáp ứng!

Nhưng bệnh tình của bà vợ Tổng công trình sư Bogachenko mỗi ngày một trở xấu. Một thời gian sau bà mất!

Tâm trạng buồn nản trước cái tang, trước mất mát của Tổng công trình sư sông Đà, trong đó có nỗi canh cánh lo lắng chẳng hay Bogachenko có vượt qua được cú đánh đột ngột của số phận? Và nhất là tiến độ, chất lượng công trình sông Đà không thể một ngày thiếu Bogachenko?

Có lẽ cảm cái tình với những người anh em Việt Nam ở công trình sông Đà và cùng bao thứ ràng buộc gắn kết hữu hình lẫn vô hình ở công trường mà ông Bogachenko chỉ mất ít ngày thu xếp việc riêng ở Matxcơva. Ông trở lại sông Đà sớm hơn dự định.

Bây giờ tôi đang bâng khuâng với một quá vãng… Hẫng hụt bởi có điều chi là lạ, rờn rợn. Ông anh Bogachenko mất ở tuổi 81. Ông em Vũ Mão ra đi cũng tuổi tám mốt?

Tổng công trình sư Pavel Bogachenko có một đề nghị. Có vẻ như hơi bất ngờ đường đột với người khác, nhưng Vũ Mão thấy hình như nó diễn ra như đương nhiên phải vậy. Đề nghị đó là được làm lễ kết nghĩa anh em với Vũ Mão!

         (Còn nữa)

MỚI - NÓNG