Sau Lễ mít tinh ấy, có nhà báo nước ngoài nằn nèo xin Bí thư Vũ Mão cho biết cảm tưởng là thành viên của Ủy ban Quốc gia dân số kế hoạch hóa gia đình dưới quyền phụ trách của Tổng tư lệnh ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Nguyên Giáp, việc điều hành phối hợp được triển khai ra sao?
Cho mãi sau này, không rõ Bí thư Vũ Mão có trả lời nhà báo ấy không và nội dung những gì? Nhưng một lần đi công trường Sông Đà, trong không khí thân mật, tôi đánh bạo hỏi vị thủ lĩnh của Đoàn nội dung na ná như câu hỏi băn khoăn của ký giả nước ngoài nọ…
Năm 1982, sau Đại hội Đảng lần V, là Ủy viên Trung ương Đảng, mình được cùng với Đại tướng tham gia sinh hoạt trong Ban Chấp hành Trung ương. Khi Đại tướng là Chủ tịch Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình (UB DSKHHGĐ) mình với cương vị Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn là thành viên của UB này... Ông Vũ Mão trong cái cười thoải mái bộc bạch rằng, thái độ điềm tĩnh cùng cách ứng xử của Đại tướng luôn là bài học sâu sắc sinh động.
Trước những đồn thổi, đàm tiếu của dư luận thời ấy nên ngay từ buổi gặp các thành viên trong UB, Đại tướng đã bộc bạch, Đảng ta có con mắt chiến lược nhãn quan xa rộng đối với công tác DS KHHGĐ. Ngay từ ngày 20/12/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định thành lập cơ quan UB này. Thời điểm ấy được coi là ngày Dân số hằng năm. Chủ tịch của UB đầu tiên là Thủ tướng.
Đại tướng còn thường xuyên dành thời gian làm việc với các Tiểu ban của UB rất tỉ mỉ chu tất. Có lần trong buổi giao ban, chất giọng Đại tướng như tha thiết lẫn bức xúc về tỷ lệ (khi ấy gần 3%) sinh quá cao ở xứ mình. Tỷ lệ ấy đặt trong tổng thể chiến lược kinh tế xã hội của đất nuớc với biết bao vấn đề nan giải. Cần nhìn nhận tháo gỡ với các binh chủng hợp thành như gia đình, văn hóa giáo dục, y tế... Ngồi trong phòng họp, mình có cảm tưởng vị Đại tướng của chúng ta không chỉ khoát hoạt tung hoành trong thời trận mạc mà ông đích thực là một tướng cầm quân trong lĩnh vực quan trọng này, cao hơn thế là một nhà văn hóa lớn với những quyết định, ý tưởng rất nhân văn.
Chân dung ông Vũ Mão
…Tháng hai lần, tháng một lần họp dưới sự chủ trì của Đại tướng. Hoàn toàn không có chuyện hình thức, họp hành cho có. Các nội dung đưa ra thảo luận rất phong phú và thiết thực. Như các bạn biết đối tượng của công tác này chủ yếu là thanh niên và phụ nữ nên Đại tướng thường trao đổi có khi chung có lúc riêng với mình và chị Ba Định (Nguyễn Thị Định khi ấy là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đòi hỏi hai chị em phải có kế hoạch triển khai cụ thể…
Nhớ lần ấy chị Ba Định tiếp thu ý kiến của Đại tướng đã gặp mình. Chị nói đại ý, chị em mình cần giao cho các bộ phận hữu quan chuyên trách của T.Ư Đoàn và T.Ư Hội phụ nữ để có một kế hoạch chung. Trên cơ sở đó ta cần có một nghị quyết liên tịch để các địa phương triển khai cụ thể.
Đại tướng rất hoan nghênh nghị quyết liên tịch ấy.
Thời điểm Đại tướng đảm trách công tác đặc biệt này, tỷ lệ sinh nước mình là 2,5%. Sau này thì tỷ lệ ấy còn 1,7%. Có vẻ như người ta chọn đúng vị trí của Tư lệnh ngành?
Một bức thư của tướng Giáp, nhưng không phải việc của UB Dân số…
Hà Nội ngày 10 tháng 6 năm 1987. Thân gửi đồng chí Vũ Mão, Bí thư thứ nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tôi mới đi thăm công trường xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình và làm việc với Tổng chuyên viên Đoàn chuyên gia Liên Xô.
Hiện công trường đang khẩn trương thi công nhằm kịp thời chống lũ năm 1987 (công việc thi công khẩn trương nhất là trong tháng 6 này) Bên cạnh những khó khăn rất lớn về vật chất kỹ thuật về đời sống sức khỏe của công nhân thì công tác tổ chức và động viên tinh thần thi đua nâng cao kỷ luật lao động là một yêu cầu cấp bách.
Trong buổi làm việc với tôi, đồng chí Tổng chuyên viên Liên Xô Bogachenko tỏ ý không hài lòng về công tác thanh niên ở công trường và rất mong sự có mặt của đồng chí Vũ Mão ở công trường TNCS này.
Theo tôi đồng chí nên cố gắng bố trí thời gian sớm lên công trường thăm hỏi và góp ý cụ thể với lực lượng thanh niên (kể cả bộ đội)
Chúc đồng chí sức khỏe.
Chào thân ái
Văn
Thời điểm ấy Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão đang giữ trọng trách công tác Công trường TNCS Sông Đà (Công trường xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Đà được mang tên Công trường TNCS năm 1982)
Một lực lượng cán bộ của T.Ư Đoàn gồm nhiều cán bộ ưu tú nhất được tăng cường lên công trường (Trong đó có Bí thư T.Ư Đoàn Vũ Quốc Hùng làm Trưởng Ban chỉ đạo sau này là Phó Ban KTT.Ư Đảng)...
Đầu tiên là hằng tháng. Sau đó là hằng tuần, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão thường xuyên liên tục lên công trường. Bí thư cũng cùng dự giao ban (vào buổi chiều) trực tiếp ngồi đó giải quyết những vướng mắc khó khăn phát sinh thuộc lĩnh vực của mình.
Xúc động trước những tấm gương lao động trẻ “Tất cả vì dòng điện ngày mai, thế mạnh cùng năng khiếu văn nghệ khiến Bí thư thứ nhất Vũ Mão làm nên một ca khúc khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Đó là ca khúc Bài ca trên Công trường TNCS Sông Đà.
Bài hát được phổ biến nhanh chóng rộng rãi.
Trong một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã hát vang ca khúc này nhằm động viên khí thế, khích lệ mọi người chung tay với công trình TNCS.
Ông Tố Hữu lè lưỡi cười, chả biết khen hay chê, Vũ Mão liều mạng thật. Tớ chưa bao giờ dám đọc thơ trước Hội nghị T.Ư nào mà giờ cậu lại dám hát trước Hội nghị T.Ư!
Sự tiếp sức của T.Ư Đoàn của phong trào thanh niên cả nước đã góp phần rất hiệu quả về tiến độ thi công của công trường TNCS.
(Còn nữa)
Xúc động trước những tấm gương lao động trẻ “Tất cả vì dòng điện ngày mai, thế mạnh cùng năng khiếu văn nghệ khiến Bí thư thứ nhất Vũ Mão làm nên một ca khúc khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Ðó là ca khúc Bài ca trên Công trường TNCS Sông Ðà.