Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra chiều 26/2. Chiếc ca nô du lịch chuẩn SB của Công ty TNHH MTV Phương Đông, do thuyền trưởng Lê Sen chở 39 người (36 hành khách, 3 lái) đang từ Cù Lao Chàm về đất liền, khi cách bến tàu Cửa Đại khoảng 3 hải lý thì bị lật. Lực lượng chức năng và người dân cứu được 22 người, 17 người chết.
Công an cho hay, sau khi vụ việc xảy ra, cùng với việc cứu nạn, công an tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, và đã làm việc với thuyền trưởng, 2 thuyền viên, các nạn nhân thoát nạn, nhân chứng và cả đơn vị điều hành xuất bến. Qua làm việc, kiểm tra cho thấy giấy tờ có liên quan đều đầy đủ. Tàu trước khi xuất bến được biên phòng kiểm soát chặt chẽ.
Ca nô QNa 1152 sau tai nạn |
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sóng to gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn làm ca nô lật úp dẫn đến vụ tai nạn.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, sau khi trục vớt ca nô đưa vào bờ thì phát hiện một số thiết bị gồm bộ đàm, thông tin liên lạc, ra đa và thiết bị định vị đã bị lấy đi. Qua xác minh, các thiết bị này do thuyền trưởng tàu đã bơi ra lấy vì sợ nước biển vào gây hư hỏng. Công an đã yêu cầu thuyền trưởng đem lên nộp lại. Tuy nhiên các thiết bị này bị nước biển ngấm vào nên cần phải qua các bước xử lý.
Nghi vấn sức bền của ca nô
Hiện trường chiếc ca nô sau khi được trục vớt bị hư hỏng nặng. Đặc biệt phần mũi ca nô vỡ toác, lòi nhiều vật dụng thiết bị. Toàn bộ cửa kính hai bên hông vỡ nát, hư hỏng hoàn toàn. Phần trần giập nát, ngoài ra có vết đứt gãy chạy dọc từ đuôi đến giữa thân tàu.
“Tàu cao tốc được chạy tối thiểu 30km/h, còn tốc độ tối đa là bao nhiêu thì chúng tôi sẽ làm việc với Cục đường thủy nội địa. Quan trọng nhất là sức chịu tải của mạn tàu. Qua khám nghiệm hiện trường, và lời khai người trên tàu thì ca nô chạy đúng luồng lạch, không va đập. Độ sâu tại đó gần 4 mét” - Đại tá Lai nói. Theo lời khai của người trên tàu và thuyền viên trên, ca nô đang chạy thì gặp sóng lớn nên bị lật gây tai nạn. “Chúng tôi đang đặt nghi vấn về thiết kế, độ bền của thiết bị. Hiện cơ quan điều tra đã lấy mẫu vỏ ca nô đem đi giám định xem sức bền như thế nào, có đảm bảo hay không” - ông Lai cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, 15 năm nay Hội An làm du lịch không có vụ tai nạn nào xảy ra chết người dù chìm thuyền, lật ca nô có xảy ra. Hiện sau vụ tai nạn kinh hoàng, nhiều đoàn khách vẫn tiếp tục ra tham quan đảo Cù Lao Chàm. “Theo quy định pháp luật chúng tôi không có cách gì để dừng. Phương tiện doanh nghiệp sắm ra, đăng ký đảm bảo quy định pháp luật, khách đã đặt theo tua tuyến. Nếu vì sự cố này địa phương yêu cầu dừng thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp, hành khách. Việc tổ chức đưa khách ra đảo vẫn tiếp tục” - ông Sơn nói.
“Thời điểm này đang trong giai đoạn giải quyết thông tin tội phạm. Chúng tôi đang xác minh xem có tội phạm hay không, nếu có mới tiến hành khởi tố”. Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam
Lãnh đạo thành phố Hội An cũng cho biết, sau khi có nguyên nhân chính thức về vụ việc, thành phố sẽ có cuộc họp với đơn vị chấn chỉnh, dứt khoát xử lý những trường hợp cá nhân, phương tiện không đảm bảo. Hội An cũng sẽ mời chuyên gia để đánh giá lại chất lượng, độ an toàn của tàu chuẩn SB, từ đó đề xuất giải pháp.
Chạy trong thời tiết biển động?
Trong bản tin số 42/TTTB-ĐKTTVQN phát lúc 4h ngày 26/2 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đã có cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển của vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, tầm nhìn xa trên 10km, giảm xuống 4-10km trong mưa; sóng biển cao: 1,5-2,5m; tình trạng biển: Biển động; cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam khẳng định, trước khi ca nô xuất bến, lực lượng đồn biên phòng 264 đã kiểm tra thực tế tại cửa biển Hội An. Dự báo thời tiết hai ngày 25 và 26/2 tại Hội An có gió đông bắc cường độ 2 - 3 mét/s. “Với cường độ này thì gió nhẹ, không ảnh hưởng đến tàu thuyền trên biển” - ông Nam nói.