Đoàn liên ngành khoảng 20 người xuất phát lúc 8h sáng 26/12 từ UBND xã Chư Đăng Ya. Sau khi vượt qua 2 dốc núi hiểm trở hết 1 giờ đồng hồ thì đến bãi tập kết gỗ thứ nhất. Địa điểm này cách UBND xã Chư Đăng Ya khoảng 3,5km. Tại đây, trong lúc ngồi nghỉ, ông Nguyễn Văn Nội- Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya nhìn cung đường lâm tặc đã dùng máy múc đào xuyên núi thở dài: Tôi nghi lâm tặc làm con đường này từ tháng 11, lúc xã đang tập trung chuẩn bị cho lễ hội hoa dã quỳ. Họ đào lén nhưng quy mô ngoài sức tưởng tượng của tôi.
“Việc phá hủy con đường này không khả thi, vì nếu ngành chức năng có dùng máy ủi san lấp thì lâm tặc cũng lại dùng máy múc khơi ra. Cách tối ưu, theo tôi là tăng cường siết chặt quy chế bảo vệ rừng; lập chốt; giao trách nhiệm cụ thể, dứt khoát cho từng người”- Ông Nội chia sẻ.
Đoàn liên ngành tại chân núi Chư Đăng Ya
Sau 15 phút nghỉ giải lao, đoàn liên ngành tiếp tục tiến vào hiện trường thì bất ngờ trời đổ mưa. Đường trơn trượt khó đi nên tất cả phải quay trở về. Theo một cán bộ của Chi cục kiểm lâm thì do thời tiết mưa phùn, nhiều mây nên không thể dùng thiết bị định vị GPS để xác định vị trí cây gỗ bị phá. Do vậy, kế hoạch khám nghiệm hiện trường, đánh giá mức độ của vụ việc phải hoãn.
Trước đó, Tiền Phong đã phản ánh vụ việc lâm tặc dùng cáp tời kéo hàng trăm thân gỗ lớn từ cánh rừng giáp ranh giữa hai huyện Chư Păh và Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai ra tiêu thụ trong thời gian dài. Hiện trường để lại trên các sườn núi chi chít cung đường ngang dọc bị cày nát bởi máy cày, máy kéo.