Vụ giám đốc đăng kiểm học hết lớp 3: Lãnh đạo Bộ Giao thông nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 4/1, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, tất cả những tồn tại hiện nay của trung tâm đăng kiểm, Bộ GTVT sẽ sửa và quy định cho rõ.

Người ký giấy đăng kiểm phải có trình độ

Như đã đưa tin, ông Hồ Hữu Tài - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Nhà Bè, TPHCM - được xác định là trường hợp chưa học hết lớp 3. Ông Tài hiện diện với vai trò quản lý tài chính, quán xuyến các tài sản của chủ đầu tư.

Trung tâm đăng kiểm này là trung tâm đăng kiểm xã hội hoá, ông Tài mặc dù là giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của trung tâm và ký giấy chứng nhận các phương tiện thực hiện kiểm định tại trung tâm.

Vụ giám đốc đăng kiểm học hết lớp 3: Lãnh đạo Bộ Giao thông nói gì? ảnh 1

Nhiều bất cập các trung tâm đăng kiểm.

Trước thông tin một giám đốc trung tâm đăng kiểm tại TPHCM không biết chữ và mới học hết lớp 3, vị lãnh đạo này cho rằng, đơn vị đăng kiểm là một ngành nghề kinh doanh. Muốn hoạt động phải đảm bảo điều kiện nghề kinh doanh đó. Thời gian tới sẽ phải thực hiện phân cấp, phân quyền cho rõ bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam không thể quản lý hết được 63 tỉnh, thành phố. Vì vậy, các Sở GTVT cũng phải vào cuộc.

Theo đó, người ký giấy kiểm định cho phương tiện phải là lãnh đạo có nghiệp vụ đăng kiểm viên và là người có trình độ.

"Không phải ông trình độ lớp 3 ký vào giấy đăng kiểm", vị lãnh đạo nói và cho biết thêm, theo cơ chế thị trường, có người không biết chữ nào vẫn là chủ đầu tư trung tâm đăng kiểm. Chủ đầu tư là người có tiền đầu tư nhưng khi hoạt động lĩnh vực này phải đáp ứng theo Nghị định 139 quy định về kinh doanh kiểm định xe cơ giới. Điều này bất cập vì chủ đầu tư là người có tiền, còn đăng kiểm là người làm thuê mang tính chất kỹ thuật nên không quyết định được.

Theo ãnh đạo Bộ GTVT, trung tâm đăng kiểm có giám đốc học lớp 3 tại TPHCM đang xác minh hồ sơ thành lập đăng kiểm.

"Phải tuân thủ theo đúng quy định, lãnh đạo đăng kiểm là ai phải quy định rõ. Lâu nay quy định rồi nhưng mỗi người hiểu một kiểu tạo ra dư luận như thế", vị này cho hay và nêu ví dụ, một doanh nghiệp hoạt động nhiều lĩnh vực trong đó có đăng kiểm. Doanh nghiệp này phải phân công rõ người ký và người ký phải đảm bảo đủ trình độ theo quy định.

Khi được hỏi Bộ GTVT có nghiên cứu sửa yêu cầu chủ đầu tư đăng kiểm cũng phải có trình độ hay không? Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng: "Không thể quy định trình độ giám đốc vì vi phạm Luật Doanh nghiệp, nhưng giám đốc phải là người có trình độ mới được ký giấy đăng kiểm".

Cục Đăng kiểm quản lý ra sao?

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục này chỉ quản lý những lãnh đạo (giám đốc, các phó giám đốc) là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trường hợp lãnh đạo đơn vị không phải đăng kiểm viên, không chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và không ký Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định về điều kiện về trình độ với chủ đầu tư đơn vị đăng kiểm. Tại Nghị định 139, chỉ quy định điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của đơn vị đăng kiểm. Trong đó, điều kiện về trình độ nhân lực ở đây chỉ áp dụng với các đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và lãnh đạo chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại các trung tâm đăng kiểm.

Với chủ trương xã hội hoá lĩnh vực đăng kiểm, thực tế đang có nhiều trường hợp Giám đốc trung tâm đăng kiểm tư nhân không phải đăng kiểm viên, không có chuyên môn nghiệp vụ về đăng kiểm, chỉ điều hành các hoạt động chung. Còn người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký Giấy chứng nhận ở những trung tâm này là Phó Giám đốc khi đã thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 139.

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết công an đã ra lệnh khám xét nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, khởi tố và bắt giữ các bị can về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, các trung tâm này đã bỏ qua nhiều sai phạm. Ví dụ, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng và một số phụ tùng khác, chỉ cần nộp tiền vào làm là xong, khi ra là đảm bảo tiêu chuẩn; hoặc sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải”.

Theo ước tính sơ bộ, có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng làm luật như trên. Bên cạnh đó, các trung tâm kiểm định này đã cấp 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Đặc biệt, ông Xô thông tin về việc một giám đốc trung tâm kiểm định khi công an bắt viết lời khai thì mới lộ ra việc không biết viết, không biết đọc. Người này khai 50 năm trước chỉ học đến lớp 3, nhưng đến nay trở thành Giám đốc Trung tâm Kiểm định 50-17D ở huyện Nhà Bè, TPHCM.

MỚI - NÓNG