Vụ Gamuda: Chính quyền sửa sai, chủ đầu tư đàm phán với dân

TPO - Sau khi dư luận phản ánh về việc chủ đầu tư Khu đô thị Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đề nghị điều chỉnh quy hoạch nhồi thêm nhà để bán khiến cho cư dân sinh sống tại đây bức xúc, UBND phường Trần Phú chấp nhận kéo dài thời gian lấy ý kiến cư dân. Trong khi đó, Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội không dám bày tỏ quan điểm, còn chủ đầu tư đàm phán với cư dân nhằm thay đổi quy hoạch.

Phường sửa sai, Sở Quy hoạch- Kiến trúc làm thinh

Như báo Tiền Phong phản ánh, việc Công ty Gamuda Land Việt Nam tiến hành đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, nhằm chia nhỏ, nhồi thêm hàng trăm căn nhà liền kề ở Khu đô thị Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến cư dân sinh sống tại đây bức xúc, phản ứng.

Một trong những điều cư dân khu đô thị này bất bình là việc chính quyền sở tại (UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) tổ chức lấy ý kiến không minh bạch (cư dân phản ánh UBND phường mời họp lấy ý kiến vào giờ đi làm là không hợp lý, nhiều phiếu lấy ý kiến ký khống, không có nội dung, đối tượng lấy ý kiến không đại diện cho cư dân khu đô thị...). Vì vậy, cư dân đã đề nghị UBND phường Trần Phú phải tổ chức lấy ý kiến lại.
Vụ Gamuda: Chính quyền sửa sai, chủ đầu tư đàm phán với dân ảnh 1 Cư dân tập trung căng băng rôn phản đối chủ đầu tư cố đề nghị điều chỉnh quy hoạch nhồi thêm nhà để bán không thực hiện đúng cam kết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân. 

Trao đổi với PV Tiền Phong về những phản ánh trên, ông Lê Hải Quang- Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết, UBND phường xem xét trên cơ sở đúng pháp luật. Khi PV thông báo đến ông Quang ý kiến của cư dân: "Phường Trần Phú có nguy cơ áp dụng sai luật Quy hoạch đô thị khi ra văn bản lấy ý kiến cư dân về thay đổi quy hoạch chỉ trong 15 ngày (Luật quy định việc lấy ý kiến dân cư tối thiểu 30 ngày-PV). Ngay sau đó, UBND phường đã ra quyết định kéo dài thời gian lấy ý kiến cư dân thêm 15 ngày.

Trong khi đó, cơ quan có trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho TP Hà Nội xung quanh việc điều chỉnh quy hoạch khu ST5 theo đề nghị của chủ đầu tư trong việc này là Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội đến nay vẫn chưa lên tiếng.

Từ khi sự việc xảy ra sự việc (đầu tháng 5/2018-PV), PV Tiền Phong đã liên lạc với ông Lê Vinh – Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc. Ông Vinh tỏ ra rất nhiệt tình khi đề nghị phóng viên làm giấy giới thiệu sang làm việc với các phòng chuyên môn của Sở này.

Ngay sau đó, PV đã làm đủ các thủ tục như ông Vinh yêu cầu, để lại các câu hỏi cụ thể. Tuy nhiên, dù 1  tháng trôi qua, câu hỏi được “chuyển” từ Chánh Văn phòng Sở này (ông Bùi Văn Bắc) sang ông Tiến (Phó Chánh văn phòng) nhưng vẫn không có câu trả lời. Chúng tôi nhiều lần liên lạc, đề nghị ông Lê Vinh chỉ đạo sớm nhưng đều nhận được sự im lặng khó hiểu.

Các câu hỏi PV đặt ra đối với trách nhiệm của Sở này gồm: Pháp luật quy định rất cụ thể về các trường hợp thay đổi quy hoạch, vậy trường hợp điều chỉnh quy hoạch của Khu đô thị Gamuda Gardens thuộc trường hợp nào? Các căn cứ cụ thể để thay đổi quy hoạch tại khu ST5 là gì? Đây là lần thứ mấy quy hoạch chi tiết 1/500 của khu đô thị Gamuda Gardens được điều chỉnh?...

Chủ đầu thỏa thuận với cư dân

Về phía chủ đầu tư Công ty Gamuda Land Việt Nam, dù đã trực tiếp làm việc với PV Báo Tiền Phong, ghi nhận các câu hỏi mà cư dân phản ánh, nhưng sau nhiều tuần, đại diện Gamuda Land cũng không có câu phản hồi. Trong đó có những câu hỏi tương tự như nội dung PV đã hỏi Sở Quy hoạch-Kiến trúc-Hà Nội.

Được biết, trong thời gian qua Gamuda Land liên tục có các cuộc họp với cư dân với các phương án đưa ra để "mặc cả" nhằm thực hiện bằng được việc điều chỉnh quy hoạch mà cư dân ở đây phản ứng.

Vụ Gamuda: Chính quyền sửa sai, chủ đầu tư đàm phán với dân ảnh 2 Dù chưa được phê duyệt nhưng Gamuda Land đã lập mô hình để chào bán sản phẩm

"Đến nay, sau nhiều vòng đàm phán, hai bên đã tạm thời thống nhất phương án như Gamuda Land sẽ dành ra khoảng 2000 m2 trong khu ST5 (là phân khu sẽ nhồi thêm hàng loạt căn nhà liền kề) để làm các khu sinh hoạch chung cho toàn khu. Việc “cắt đất” để làm khu sinh hoạt cộng đồng này tất nhiên sẽ tác động đến các khách hàng đã đặt cọc mua nhà tại dự án ST5", một cư dân phân tích.

Liên quan đến việc, dù phân khu ST5 chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nhưng trên thực tế các sàn môi giới BĐS và bộ phận kinh doanh của Gamuda Land đã tiến hành các hoạt động bán hàng như thu tiền cọc của khách hàng (200 triệu đồng/khách-PV). 

Đại diện Gamuda Land lý giải:  "Đây là cách làm thị trường của đại lý bán hàng, phía chủ đầu tư Gamuda Land chưa tiến hành bán hàng tại khu ST5". Tuy nhiên, thực tế các tài liệu PV thu thập cho thấy, Gamuda Land chủ động công bố các chính sách bán hàng rất cụ thể.

Vụ Gamuda: Chính quyền sửa sai, chủ đầu tư đàm phán với dân ảnh 3  Gamuda phủ nhận ngay cả chính kế hoạch, chính sách bán hàng do mình ban hành.
Thậm chí, đến nay sau khi mới thỏa thuận tạm thời về việc dành diện tích xây dựng nhà cộng đồng giữa Gamuda Land và cư dân đang sinh sống ở đây thì  nhiều nhân viên bán hàng của dự án này đã dùng ngay nội dung của việc thỏa thuận trên để quảng bá, chèo kéo khách; Xem đây như một tiện ích mới bổ sung của chủ đầu tư dành cho riêng cư dân khu ST5 trong tương lai.

Theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, nếu đúng như lời khẳng định của đại diện chủ đầu tư rằng họ chưa bán nhà tại khu ST5 thì việc khách hàng đang đặt mua các căn liền kề tại khu ST5 chưa được duyệt thay đổi quy hoach thì đẩy rủi ro  và nguy cơ “tiền mất tật mang”. Dư luận, đang mong chờ các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng, UBND quận Hoàng Mai..., có động thái vào cuộc xử lý việc mua bán chưa được phép trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

MỚI - NÓNG