Như Tiền Phong đã có bài phản ánh về việc dù các cơ quan chuyên môn xác định, vị trí định giao cho Công ty Lilama thực hiện dự án nhà hàng khách sạn (tại xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai trên diện tích 3,77 ha) rơi vào thân quặng, nguyên tắc quy hoạch không được cấp phép các công trình trên diện tích đất có khoáng sản… song Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Vịnh vẫn ký cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lợi dụng việc này, Công ty Lilama đã "đào trộm" 1,5 triệu tấn quặng Apatit.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài ý kiến của các sở, ngành của tỉnh, tháng 2/2013, Kiểm toán Nhà nước có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, trong đó có nội dung cảnh báo, việc UBND tỉnh này giao cho Công ty Apatit Việt Nam và doanh nghiệp này giao lại cho Công ty Lilama cải tạo mặt bằng chống sạt lở kết hợp tận thu quặng là “trái với quy định của Luật Khoáng sản". Bởi thẩm quyền cho phép thu hồi quặng không thuộc của UBND tỉnh Lào Cai và Công ty Apatit Việt Nam.
Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký Văn bản số 984 đề ngày 28/3/2013, gửi Kiểm toán Nhà nước khẳng định làm đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền. UBND tỉnh Lào Cai cho rằng: “Để tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo nếu khối lượng san gạt có kèm theo khoáng sản thì cho phép Công ty Apatit Việt Nam được thu hồi, vận chuyển, quản lý, sử dụng. UBND tỉnh đã khẳng định, thẩm quyền cấp phép khai thác quặng là của Bộ TN&MT. Việc ký hợp đồng giữa Công ty Apatit Việt Nam và Công ty Lilama là hợp đồng thuê san gạt, cải tạo mặt bằng, trong đó có nội dung thu hồi quặng…. thực tế đã thu hồi triệt để các loại quặng, vận chuyển về kho quản lý và sử dụng theo quy định”.
Dự án nhà hàng, khách sạn của Công ty Lilama sau 10 năm vẫn là bãi đất trống |
Một ngày sau khi có văn bản phản hồi ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng ký Quyết định 754 cho phép chuyển mục đích sử dụng 3,77 ha như đã nêu để Công ty Lilama thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng. Sau đó, là quyết định cho Công ty Lilama thuê đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Trước đó, ngày 15/5/2013, Sở TN&MT Lào Cai có có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai tham mưu, trong quá trình thi công san gạt mặt bằng dự án nhà hàng, khách sạn, Công ty Lilama phải thường xuyên theo dõi, lấy mẫu để phát hiện các dấu hiệu liên quan đến khoáng sản. Nếu kết quả phân tích có phát hiện quặng (kể cả quặng nghèo và quặng Apatit có hàm lượng trên dưới 18,6% P2O5) thì đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giao cho Công ty Lilama gom lại và thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để có biện pháp quản lý, sử dụng và chế biến theo quy định.
Quá trình mở rộng điều tra vụ án Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama phạm tội: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và phạm tội “rửa tiền”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã có quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can, tạm giam đối với 4 cựu lãnh đạo sở và UBND tỉnh Lào Cai để phục vụ điều tra.
Bốn bị can gồm: Nguyễn Thanh Dương, Lê Ngọc Hưng (đều là cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai), Mai Đình Định- nguyên Giám đốc Sở TN&MT, Phan Văn Cương, cựu Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai.
Trường hợp phát hiện thân khoáng có giá trị công nghiệp thì Công ty Lilama phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức khảo sát, đánh giá và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khoáng sản.
Đáng chú ý, sau 5 ngày nhận được văn bản tham mưu của Sở TN&MT, ngày 20/5/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - Doãn Văn Hưởng ký Văn bản số 1717 về việc thực hiện các biện pháp quản lý khoáng sản trong khu vực thi công dự án nhà hàng, khách sạn.
Tại Quyết định 1717, UBND tỉnh Lào Cai đồng ý với một phần tham mưu của Sở TN&MT, nếu có phát hiện quặng, kể cả quặng nghèo, giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để tập kết, quản lý sử dụng theo quy định mà không đề cập đến việc “trong trường hợp phát hiện thân khoáng có giá trị công nghiệp thì phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức khảo sát, đánh giá và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khoáng sản” như tham mưu của Sở TN&MT Lào Cai trước đó.
Sau đó, Công ty Lilama tiến hành vừa san gạt mặt bằng, vừa lấy mẫu và phân tích. Nhưng các báo cáo của đơn vị này không thể hiện khối lượng cụ thể.
Đến tháng 6/2014, đơn vị này bất ngờ có báo cáo UBND tỉnh Lào Cai và cho rằng do Công ty Apatit Việt Nam không tiêu thụ kịp quặng apatit đã thu gom. Do khó khăn về tài chính nên doanh nghiệp xin UBND tỉnh cho phép “được liên hệ giao một phần lượng quặng tồn kho cho các nhà máy chế biến sâu”.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm
Ngay việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất 3,77ha thuộc Dự án nhà hàng, khách sạn tại xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai cũng được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ “không đúng quy định của Luật Đất đai về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất” (Kết luận số 3238, tháng 12/2017).
Cụ thể, việc cho phép doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng và chủ trương cho tận thu, thu gom quặng apatit, nhưng không kiểm tra bảo đảm việc khai thác, tận thu theo đúng quy định của pháp luật.
“Thực tế trên diện tích 3,77 ha mặt bằng xây dựng khách sạn, nhà hàng, Công ty Lilama đã thu được trên 1,3 triệu tấn quặng apatit. Số tiền bán quặng thu được 379 tỷ đồng. Như vậy, việc UBND tỉnh Lào Cai có văn bản số 2160 ngày 2/8/2012 và văn bản số 1717 ngày 20/5/2013 cho phép Công ty Lilama tận thu, thu gom apatit là chưa đúng quy định tại Điều 65 (quy định về khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình) và Điều 67 (quy định về tận thu khoáng sản) của Luật Khoáng sản 2010 (tận thu chỉ được thực hiện khi đã đóng cửa mỏ)”, kết luận của TTCP nêu.
“Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Lào Cai, Sở TN&MT cùng các đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh cho phép Công ty Lilama tận thu, thu gom quặng Apatit”, kết luận thanh tra nêu.