Vụ 'công văn 551 của Bộ Xây dựng': Bộ Tư pháp có thể báo cáo Thủ tướng

Công văn 551 ngày 2/4/2013 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng được phía Bộ Tư pháp cho là trái luật (Trong ảnh là công trình xây dựng chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng - Hà Đông-Hà Nội)
Công văn 551 ngày 2/4/2013 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng được phía Bộ Tư pháp cho là trái luật (Trong ảnh là công trình xây dựng chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng - Hà Đông-Hà Nội)
TP - Ngay khi nhận được văn bản “tuýt còi" từ phía Bộ Tư pháp về việc ban hành công văn trái luật, Bộ Xây dựng lập tức phản pháo, cho rằng mình đã triển khai có căn cứ, đúng chức năng. Thấy vậy, Bộ Tư pháp, trực tiếp là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục lên tiếng, thậm chí cho biết Bộ Tư pháp có thể sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý.

“Ban hành đúng luật, có căn cứ”

Cụ thể, phía Bộ Xây dựng do Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng - Phạm Văn Khánh đã có công văn gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt Cục Kiểm tra), cho rằng Công văn số 551 (văn bản bị tuýt còi) được ban hành đúng thẩm quyền, chức năng và có căn cứ.

Văn bản giải trình nêu rõ, theo quy định tại Nghị định số 112/2009 của Chính phủ, đơn giá xây dựng được lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ tiền lương nhân công và phù hợp với mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh theo từng ngành nghề cần sử dụng.

Nghị định 112 cũng quy định UBND cấp tỉnh công bố giá nhân công, giá máy và thiết bị thi công theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn và công bố giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở tham khảo cho việc lập đơn giá xây dựng công trình. Tuy nhiên, thực tế một số địa phương chưa công bố giá nhân công theo quy định tại Nghị định số 112, dẫn tới việc nhiều chủ đầu tư áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 103/2012.

Việc xác định đơn giá nhân công theo phương pháp này sẽ làm cho đơn giá nhân công ở một số vùng cao hơn, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Với lý do đó, Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 551 để nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Nghị định số 112, đồng thời hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Cũng tại văn bản phản hồi Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng khẳng định Công văn số 551 không cản trở doanh nghiệp áp dụng Nghị định số 103 của Chính phủ. Trên thực tế, mức lương trong đơn giá nhân công xây dựng theo thị trường để quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Nghị định số 112 cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định tại Nghị định số 103/2012.

“Bộ Xây dựng áp dụng văn bản hết hiệu lực”

Nhận được văn bản phản hồi từ phía Bộ Xây dựng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tiếp tục cho rằng, Bộ Xây dựng đã áp dụng sai các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khi khẳng định Công văn 551 do Bộ Xây dựng ban hành là đúng pháp luật. Đơn cử như, thời điểm ban hành Công văn số 551 của Bộ Xây dựng là ngày 2/4/2013, trong khi đó, ngày 4/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103 để thay thế Nghị định số 70/2011 ngày 22/8/2011. Trong quá trình lập hồ sơ dự thầu, khi Nghị định 103 đã có hiệu lực (thay thế Nghị định số 70/2011), các bên tham gia đấu thầu đều phải căn cứ vào Nghị định hiện hành của Chính phủ, quy định về lương tối thiểu vùng để xác định đơn giá nhân công (nguyên tắc này được tuân thủ từ năm 2008 cho đến nay, và Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng).

Bởi những lẽ trên, khi Công văn số 551 của Bộ Xây dựng hướng dẫn tại điểm 1 - chỉ áp dụng Nghị định số 70/2011, không áp dụng Nghị định số 103/2012 về lương tối thiểu vùng đã đặt các doanh nghiệp, các địa phương tuân thủ, nghiêm túc thực hiện Nghị định số 103/2012 vào tình trạng bất khả kháng, gặp khó khăn trong việc xem xét, điều chỉnh hay không điều chỉnh chi phí nhân công đã được xác lập, được đưa vào dự toán, lập hồ sơ đấu thầu khi Nghị định số 103/2012 đang có hiệu lực thi hành.

Có thể sẽ báo cáo Thủ tướng

Trong văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra cho hay, tại Nghị định số 40/2010 của Chính phủ quy định về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rõ: “Trường hợp cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý hoặc Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả xử lý thì Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xử lý”. Với việc “đôi co” giữa hai đơn vị, Cục Kiểm tra đã quyết định lập văn bản, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét tính hợp pháp và việc xử lý tiếp Công văn số 551 của Bộ Xây dựng theo quy định của
Chính phủ.

“Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý để bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN; tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, của doanh nghiệp”, văn bản Cục Kiểm tra gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu.

Nhận được văn bản phản hồi từ phía Bộ Xây dựng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tiếp tục cho rằng, Bộ Xây dựng đã áp dụng sai các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khi khẳng định Công văn 551 do Bộ Xây dựng ban hành là đúng pháp luật.

MỚI - NÓNG