Sau phản ánh của báo Tiền Phong liên quan đến vụ việc hàng chục hộ dân ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương kêu cứu do mua phải đất công bán trái thẩm quyền, đang có nguy cơ bị ra khỏi nhà mình. Mới đây, Thường vụ huyện ủy Bình Giang đã có dự thảo kết luận xác minh vấn đề đất đai tại xã Tráng Liệt cũ (nay là thị trấn Kẻ Sặt).
Theo đó, đoàn kiểm tra xác định việc giao đất cho 13 hộ xảy ra giai đoạn 2012 – 2014, thu số tiền 700 triệu đồng/suất. Số tiền thu được hơn 7 tỷ đồng, toàn bộ số tiền thu từ đất UBND xã đã sử dụng vào mục đích công ích, chi vào cơ sở hạ tầng, cơ sở trường học, hạ tầng giao thông, trụ sở làm việc tại địa phương.
Qua làm việc với các cán bộ nguyên là Đảng ủy viên, HĐND xã Tráng Liệt cũ cho thấy, HĐND xã không ban hành Nghị quyết về việc giao đất, không có biên bản về việc giao đất, thu chi từ việc giao đất trái thẩm quyền.
“Khi thấy dân xây dựng nhà đối diện trụ sở UBND xã, nhiều đồng chí trong Ban cán sự Đảng ủy xã có trao đổi với ông Quách Văn Hưng – Chủ tịch xã thời điểm đó, đồng chí Hưng báo cáo cho người dân thuê đất để có kinh phí tu sửa các công trình địa phương”, báo cáo nêu. Báo cáo trên cũng khẳng định việc giao đất cho người dân thời điểm này là trái thẩm quyền.
Ngoài 13 hộ dân kể trên, nhiều khu đất tại thị trấn Kẻ Sặt bị đổ đất xây dựng nhà xưởng trái phép |
Được biết, trước đó vào năm 2018, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Bình Giang đã thành lập đoàn kiểm tra về những sai phạm về đất đai tại xã Tráng Liệt cũ. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, đoàn kiểm tra không công bố kết luận cuối cùng của vụ việc. Đại diện huyện ủy Bình Giang lý giải: “Thời điểm đó trưởng Ban Kiểm tra huyện ủy chuyển sang làm trưởng Ban Tổ chức huyện. Do đó đoàn kiểm tra không đưa ra kết luận cuối cùng”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang cho biết thêm, riêng đối với 13 hộ dân UBND xã Tráng Liệt cũ bán trái thẩm quyền, việc giao dịch là sai. Cán bộ địa chính xã đã bị xử lý kỷ luật và thuyên chuyển công tác. Về quyền lợi của người dân tại đây, huyện xác định người dân bỏ tiền ra mua thật, có giao dịch với chính quyền xã thời điểm đó chứ không phải tự ý lấn chiếm. Do đó, huyện đã có đề xuất với tỉnh có biện pháp tháo gỡ phù hợp với quy hoạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trong tháng 1/2022, một số khu vực đất nông nghiệp tiếp tục bị đổ đất không thể canh tác |
Trước đó, báo Tiền Phong đã phản ánh việc 13 hộ dân mua đất do UBND xã Tráng Liệt cũ bán như "ngồi trên đống lửa" khi UBND xã khẳng định: “Toàn bộ các lô đất trên đều là đất công, đất trường học… không được cơ quan nhà nước giao, người dân tự sử dụng”.Tuy nhiên, người dân đã đưa ra hàng loạt bằng chứng là phiếu thu có đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt ghi: Tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS cũ xã Tráng Liệt, với số hàng trăm triệu đồng của mỗi hộ cho từng đợt thu lần 1, 2, 3. Cùng với đó, còn có các Giấy biên nhận gửi Chủ tịch UBND xã và Ban Tài chính xã Tráng Liệt, có đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt. Đáng chú ý, sau khi bán đất công, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt lúc bấy giờ đã cấp cho người dân giấy "Xác nhận quyền sử dụng đất" cho lô đất số 331, đường Âu Cơ, khu Hạ.
Từ năm 2014, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương đã ban hành kết luận thanh tra những vấn đề đất đai liên quan tới xã Tráng Liệt (cũ), huyện Bình Giang và chỉ ra nhiều sai phạm.
Theo đó, UBND xã Tráng Liệt, nay là UBND thị trấn Kẻ Sặt đã buông lỏng quản lí đất đai trong nhiều năm. Các sai phạm có hệ thống, từ tập thể đến cá nhân và kéo dài nhiều nhiệm kỳ.
Đặc biệt, chính quyền không quản lý diện tích đất công ích thuộc quỹ đất nông nghiệp của xã; có dấu hiệu bao che cho các đối tượng vi phạm dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san lấp, xây dựng nhà ở, nhà xưởng trái phép trên địa bàn xã diễn ra công khai, ngày càng nhiều, làm thất thoát đất công, khó khăn trong xử lý hậu quả của các cơ quan nhà nước.
Đoàn Thanh tra khẳng định có trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt và cán bộ Địa chính xã Tráng Liệt, cán bộ của huyện được giao theo dõi địa bàn đã nể nang, không cương quyết, dẫn đến tình trạng coi thường chỉ đạo của cấp trên...