Biên phòng bị tiếng oan?
Cảng sông Hàn thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu - là khu vực nội địa không phải khu vực biên giới theo điều chỉnh của Nghị định 71/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người và phương tiện trong khu vực biên giới. Đây cũng là cảng đường thủy nội địa, không phải là cảng biên giới.
Theo trạm Biên phòng cảng cửa khẩu Đà Nẵng, khu vực xảy ra chìm tàu Thảo Vân 2 không thuộc phạm vi quản lý của biên phòng, việc cho xuất bến hay không là do cảng vụ sông Hàn. Các văn bản của UBND thành phố đều không đề cập việc Biên phòng kiểm tra kiểm soát khu vực sông Hàn, cũng như phương tiện trên sông. “Xảy ra tai nạn, biên phòng cũng thấy có một phần trách nhiệm. Trách nhiệm chính ở đây là không kịp thời phát hiện tàu sai phạm, báo cáo tham mưu để cơ quan chức năng xử lý. Chúng tôi sẽ họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong đơn vị”, một cán bộ của trạm nói.
Liên quan hai bục đề “kiểm soát biên phòng” ngay khu vực cảng sông Hàn, trạm Biên phòng cảng cửa khẩu Đà Nẵng giải thích: Đây là nơi để đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu thuyền ra vào khu vực biên giới và là nơi để cán bộ trực nắm tình hình tai nạn trên sông, kịp thời tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn theo đúng chức trách. Việc đặt bục ngay khu vực cảng này, dẫn đến việc người dân hiểu nhầm Biên phòng quản lý khu vực và tàu thuyền trên sông. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Ai được giao nhiệm vụ?
Theo quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch nội địa trên địa bàn thành phố (ban hành cùng Quyết định số 37/2014 của UBND TP Đà Nẵng), trong đó với Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng có nêu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra giám sát các tàu du lịch tham gia hoạt động vùng cảng nước biển Đà Nẵng và xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm pháp luật liên quan.
Công an thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm, đảm bảo an ninh trật tự đối với hoạt động của tàu du lịch, quản lý lưu trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan hoạt động tàu du lịch; chịu trách nhiệm chủ trì kiểm tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện có hành vi vi phạm về an toàn đường thủy nội địa...
Tại văn bản số 3636, về việc tăng cường lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát hoạt động các tàu du lịch trên sông Hàn, UBND TP đã chỉ đạo “Giao Công an thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực hàng đêm tại cảng sông Hàn từ 19h đến 22h để phối hợp với cảng vụ đường thủy nội địa, thanh tra Sở GTVT tổ chức kiểm tra hoạt động vận tải khách bằng tàu du lịch trên sông Hàn”.
Đồng thời, “giao sở VHTT - DL có biện pháp khuyến cáo đơn vị, cá nhân hoạt động lữ hành không ký kết hợp đồng, sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức đối với tàu du lịch không đủ điều kiện hoạt động”. Nếu tính từ ngày UBND TP Đà Nẵng ban hành văn bản (19/5/2016), đến thời điểm xảy ra tai nạn chỉ cách hai tuần.
Ngày 7/6, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Vụ tai nạn để lại hậu quả nặng nề cho người dân, du khách và cả uy tín của ngành du lịch Đà Nẵng. Ngay sau khi hoàn tất công tác tìm kiếm cứu nạn, Đà Nẵng đã làm một việc hết sức khẩn trương là tiến hành xem xét lại trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong vụ chìm tàu. Đà Nẵng đã kịp thời xử lý một số cán bộ vô trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động chui của tàu du lịch, trong đó có tàu Thảo Vân 2.
“Chúng tôi đã giao cơ quan chức năng gồm Bộ đội Biên phòng, công an và thanh tra khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án, khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm khắc những cá nhân tổ chức cố tình vi phạm, cố tình coi thường mạng sống của con người, bất chấp pháp luật, chạy theo lợi nhuận. Các cá nhân liên quan sẽ sớm nhận bản án nghiêm khắc về những hành vi vô trách nhiệm đối với cộng đồng”, ông Thơ nói.
Khen thưởng người dân cứu 53 người bị nạn
Trưa 7/6, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong tham gia cứu nạn tàu Thảo Vân 2 bị lật chìm trong đêm 4/6.
Theo đó, ngoài 5 tập thể, có 9 cá nhân, gồm: Ông Lê Văn Lực, thuyền trưởng tàu du lịch Sông Hàn 1; ông Đặng Ngọc Anh, thuyền viên tàu du lịch Sông Hàn 1;ông Nguyễn Văn Hốt, thuyền trưởng tàu du lịch Hàn Giang 2; ông Nguyễn Văn Dậu, thuyền viên tàu du lịch Hàn Giang 2; ông Lê Văn Phú, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu du lịch Phú Quý 2; ông Lê Văn Hoa, thuyền viên tàu du lịch Phú Quý 2; ông Mai Văn Dụng, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu du lịch biển Đảo Việt; ông Nguyễn Khánh Trường, thuyền trưởng tàu du lịch biển Đảo Việt, ông Trần Ngọc Sơn, lái xe số 563, hãng taxi Tiên Sa (Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng). Đây là những người đã nhảy xuống sông cứu người, đưa người cấp cứu, tìm kiếm và trả lại tài sản cho người gặp nạn.
N. Thành - T. Trần
Cách chức lãnh đạo cảng vụ đường thủy nội địa
Chiều ngày 7/6, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức họp và thống nhất giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở GTVT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân Giám đốc, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa và các cá nhân có liên quan. Theo đó cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc Cảng vụ, cho thôi việc đối với kíp trực đêm 4/6, hoàn thành và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 20/6; giao Công an thành phố chỉ đạo Cơ quan CSĐT khẩn trương điều tra, chuyển Viện kiểm sát truy tố các bị can để đưa ra xét xử công khai trước pháp luật; tổ chức tổng rà soát các phương tiện vận tải khách du lịch trên sông Hàn, sớm cho phép các tàu đóng mới đủ điều kiện tiếp tục hoạt động trở lại; từ nay về sau thống nhất không cấp phép hoạt động cho các tàu du lịch được cải hoán từ tàu ngư dân.
Nguyễn Thành
Khởi tố, bắt tạm giam thuyền trưởng Lê Công Chí
Tối 7/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt giam 4 tháng đối với ông Lê Công Chí (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Ông Chí là thuyền trưởng điều khiển tàu du lịch Thảo Vân 2 ĐNa – 0016, bị chìm trên sông Hàn đêm 4/6, làm 3 người chết và hàng chục người bị thương. Tàu Thảo Vân 2 được phép chở 28 người nhưng đã chở số lượng khách gấp đôi, chưa được cấp phép vận tải hành khách.
Thanh Trần