Hà Nội:

Vụ chết 2 năm vẫn xác nhận nhà đất: Cần giám định chữ ký trong biên bản

TPO - “Việc sử dụng chữ ký người đã chết, cán bộ đã nghỉ hưu trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một hành vi sai phạm cực kỳ nghiêm trọng có yếu tố cấu thành tội Hình sự, hơn nữa lại liên quan đến tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của 12 hộ dân. Việc này cần phải giám định lại các chữ ký trong biên bản xác định mốc giới để làm rõ”, Luật sư Nguyễn Thùy Dương (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích.
Có dấu hiệu cố tình làm sai 
Luật sư Nguyễn Thùy Dương (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, qua chứng cứ, tài liệu mà 12 hộ dân cung cấp cho thấy xung quanh việc cấp “sổ đỏ” và cấp Giấy phép xây dựng tại số 27A Đê La Thành (quận Đống Đa) gây bức xúc dư luận thời gian qua có nhiều điểm khuất tất, cần được các cơ quan chức năng TP Hà Nội làm rõ.
Theo Luật sư Dương, trong đơn tố cáo cùng các chứng cứ kèm theo của 12 hộ dân đã nêu rõ: Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 27A Đê La Thành đã giả mạo chữ ký của cả người đã chết và người còn sống. 
Vụ chết 2 năm vẫn xác nhận nhà đất: Cần giám định chữ ký trong biên bản ảnh 1 UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản yêu cầu Chánh Thanh tra TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung đơn thư của đại diện 12 hộ dân. Trong đó, có việc công dân không đồng ý với văn bản kết luận của quận Đống Đa mới đây khi cho rằng việc cấp "sổ đỏ" là tùy tiện, không đúng quy trình.
Cụ thể toàn bộ chữ ký của đại diện các hộ liền kề gồm bà Lê Thị Tình, ông Nguyễn Văn Định, bà Phạm Thị Oanh (bà Oanh đã chết 2 năm có giấy chứng tử), ông Lê Trọng Đặng, ông Nguyễn Đình Báu trên “Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất” do địa chính phường Ô Chợ Dừa lập năm 1998, bị sửa chữa thành năm 2006 và “Đơn xác thực diện tích đất” là giả mạo!
“Việc sửa chữa hồ sơ, giả mạo chữ ký trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một hành vi sai phạm cực kỳ nghiêm trọng có yếu tố cấu thành tội Hình sự, hơn nữa lại liên quan đến tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của 12 hộ dân với 84 nhân khẩu. Việc này cần giám định lại các chữ ký trong biên bản xác định mốc giới để làm rõ”, Luật sư Dương phân tích. 
Theo Luật sư Dương, trong kết luận của UBND Quận Đống Đa chỉ ra việc cấp “sổ đỏ” tại 27A Đê La Thành cấp là tùy tiện, không đúng quy trình, nhưng nếu xác định việc giả mạo hồ sơ, giả mạo chữ ký của hộ liền kề đã chết, của cán bộ đã nghỉ hưu để làm cơ sở cấp “sổ đỏ” thì có yếu tố cấu thành tội Hình sự khi cố tình làm sai, lợi dụng chức vụ làm sai và tội làm giả mạo hồ sơ, giấy tờ trong thực thi công vụ. 
“Ngoài cần giám định chữ ký trong Biên bản xác định mốc giới, việc trích lục tàng thư căn cước công dân và hồ sơ lưu trú của các cá nhân có liên quan để từ đó truy nguyên đến cùng sự thật khi xác minh chữ ký giả mạo hay không, là điều không hề khó đối với cơ quan chức năng”, LS Dương nêu vấn đề.
LS Dương cũng cho rằng, chứng cớ, tài liệu cho thấy báo cáo trong kết luận mới đây của UBND Quận Đống Đa trả lời đơn tố cáo công dân đã bỏ qua khi không xem xét đến nội dung tố cáo việc giả mạo chữ ký của các hộ liền kề trên “Đơn xác thực diện tích đất” do bà Nguyễn Thị Nhạc (mẹ ông Lê Hữu Hùng-đồng sở hữu khu đất 27A Đê La Thành) lập ngày 08/02/2006, đây là một trong những văn bản đặc biệt quan trọng xác định việc cấp dôi 26,6m2 trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng hay sai.
Bên cạnh đó, nội dung Công văn số 28 ngày 11/06/2018 và nội dung Công văn số 146 ngày 28/01/2019 của quận Đống Đa về cơ bản là giống nhau do nội dung được sao chép lại gần như y nguyên, được UBND Quận Đống Đa ký mà không hề có sự kiểm tra thực địa tranh chấp (mặc dù đã có rất nhiều đơn thư khiếu nại từ trước đó của các hộ dân-PV), bỏ qua không xác minh về các sai phạm về việc giả mạo chữ ký của các hộ liền kề, của cán bộ đã nghỉ hưu.

Liệu có sự “chống lưng” cho sai phạm?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, sau khi nhận được đơn thư phản ánh của các hộ dân, cá nhân ông đã gửi kiến nghị cho Chủ tịch TP Hà Nội để chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc này. Bởi việc tùy tiện cấp “sổ đỏ” ở 27A Đê La Thành đã trở thành điểm nóng, gây bức xúc kéo dài của người dân nên Thanh tra Thành phố cần sớm vào cuộc làm rõ.
Vụ chết 2 năm vẫn xác nhận nhà đất: Cần giám định chữ ký trong biên bản ảnh 2 ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, công trình sai phạm số 27A Đê La Thành chỉ cách trụ sở UBND Quận Đống Đa, cách Công an Phường Ô Chợ Dừa gần 200-300m, nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, nên người dân đặt câu hỏi: Tại sao lại có thể tồn tại một sự vô pháp trắng trợn đến như thế ở giữa Thủ đô? Liệu có sự “chống lưng” hay không? “Tất cả việc này cần được các cơ quan thành phố như Thanh tra, Công an vào cuộc làm rõ”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, ở đây 12 hộ dân họ không đồng tình cách xử lý của quận Đống Đa vì họ cho rằng, các chứng cớ quan trọng trong việc cấp “sổ đỏ” tùy tiện, không đúng quy định được bỏ qua. “Khi đang có tranh chấp về hệ thống thoát nước chung, thay vì xem xét kỹ lưỡng, đằng này quận Đống Đa lại cấp Giấy phép xây dựng cho công trình sai phạm như đổ thêm dầu vào lửa khiến người dân bức xúc là hoàn toàn dễ hiểu”, ông Nhưỡng phân tích.
Ông Nhưỡng cho rằng, người dân phản ánh dù có các văn bản yêu cầu dừng thi công nhưng càng ban hành thì công trình sai phạm 27A càng xây cao, đến nay đã xong 5 tầng thì đây là câu chuyện yếu kém trong quản lý của chính quyền sở tại. 
“Việc người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng vẫn ký tên trong Biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để làm cơ sở cho quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài, qua các tài liệu, hồ sơ lưu lại cho thấy nhiều điểm mập mờ, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ thì cơ quan thanh tra, công an Thành phố phải vào cuộc. Trường hợp đúng như hồ sơ người dân phản ánh không phải vi phạm thông thường mà là làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức, đi trái các quy định của pháp luật; cố tình làm giả, làm sai lệch hồ sơ chứ không phải tùy tiện, làm sai quy định như đánh giá của quận nữa”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Ông Nhưỡng cũng cho rằng, công trình sai phạm số 27A Đê La Thành chỉ cách trụ sở UBND Quận Đống Đa, cách Công an Phường Ô Chợ Dừa gần 200-300m, nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, nên người dân đặt câu hỏi: Tại sao lại có thể tồn tại một sự vô pháp trắng trợn đến như thế ở giữa Thủ đô? Liệu có sự “chống lưng” hay không? “Tất cả việc này cần được các cơ quan thành phố như Thanh tra, Công an vào cuộc làm rõ”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.  

Giao Chánh Thanh tra TP Hà Nội kiểm tra xử lý 

UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản yêu cầu Chánh Thanh tra TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung đơn thư của đại diện 12 hộ dân ở Tổ 18 cụm dân cư số 5 phường Ô Chợ Dừa về việc tố cáo cán bộ liên quan đến việc cấp “sổ đỏ”, cấp Giấy phép xây dựng tại số 27A Đê La Thành ; Công dân không đồng ý với kết luận số 1555 của UBND quận Đống Đa.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.